Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

ÔNG BÍ THƯ CỨU HAI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Ông bí thư cứu hai di sản văn hóa thế giới 
Phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn suýt bị san bằng, chìm dưới lòng hồ…

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nhận xét: “Hồ Nghinh là nhà lãnh đạo có công đầu trong việc bảo tồn hai di sản văn hóa thế giới ngày nay là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn".

Hội An suýt bị san bằng 

Phố cổ Hội An vốn là một thương cảng sầm uất, phát triển thịnh vượng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Hội An trở thành nơi giao thương, trao đổi hàng hóa và cả văn hóa với bên ngoài. Nó có những giá trị nổi bật toàn cầu và sự trộn lẫn trác tuyệt của văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa. Chính vì vậy, năm 1999 phố cổ Hội An đã được công nhận là di sản văn hóa của thế giới.

Sau chiến tranh, Hội An gặp biến cố lớn với lệnh kiên quyết loại trừ di hại của văn hóa nô dịch để phát triển văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ, chính quyền Hội An đẩy mạnh phong trào đập cũ xây mới “đàng hoàng, to đẹp hơn”. Trong đó có việc đập phá các đền, chùa, miếu, am thờ. Nhiệm vụ này được Thường vụ Thị ủy giao cho các ngành, đoàn thể tham gia và lực lượng chủ công là an ninh. Phường Minh An, nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc đền chùa, miếu mạo được chọn làm thí điểm.

 
Hội An từng suýt bị san bằng. Ảnh: LÊ PHI

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao Hội An, nhớ lại: “Sau giải phóng, nhiều người cho rằng các di tích đền chùa, miếu mạo là nơi mê tín dị đoan. Nhiều người đồng thuận và lên danh sách các chùa như Khổng Miếu, chùa Phúc Kiến, chùa Ông Bổn… để chuẩn bị đập phá. Với lý do đây là nơi thờ cúng, chiêm bái mang tính mê tín dị đoan”. Theo ông Phùng, đó là một thời kỳ nhận thức còn nông cạn, chưa tính hết được hậu quả. 

Nhưng ông Hồ Nghinh cùng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã kịp thời can dự, quyết liệt không cho đập phá Hội An. 

Ông Hà Phước Mai, nguyên cán bộ TP Hội An, cho hay: “Một buổi chiều năm 1976, trước trụ sở UBMTTQ Việt Nam TP Hội An. Hơn 500 người với búa tạ, xà beng, cuốc… phát động ra quân bài trừ mê tín dị đoan với từng nhóm, đội có cán bộ an ninh phụ trách. Tất cả chuẩn bị đến từng mái đình, ngôi chùa, đền miếu để phá hủy cái gọi là nơi gieo rắc mê tín dị đoan. Họ cho rằng cách mạng là phải phá cũ, đổi mới. Mọi người hô to hai chữ: “Quyết tâm””.

Lúc này, ông Hồ Nghinh cũng vừa đến, ông hỏi ngay: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đó à?”. Mọi người im lặng. Ông Nghinh từ từ nói: “Các anh nên nhớ rằng chỉ vài tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo toàn di tích trên toàn cõi Việt Nam. Bác yêu cầu phải giữ gìn nguyên vẹn đình chùa, miếu mạo, các sách vở văn tự của cha ông để lại. Các anh huy động hàng trăm người với khí thế hừng hực thế kia, họ chỉ đập phá vài ngày thôi thì còn gì Hội An nữa. Làm như thế là bắt chước cách mạng văn hóa bên Tàu”.

Ông Hồ Nghinh tiên đoán: “Các anh biết không, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương với thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây thì các đình chùa, miếu mạo và các cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách. Đó là nguồn sinh lợi cho dân Hội An đấy”.


“Kết thúc buổi nói chuyện mọi người ngộ ra sai lầm. Ông Hồ Nghinh đã cứu Hội An thoát khỏi mối nguy trong gang tấc. Vì nếu ông chậm chân một ngày thôi thì Hội An đã bị hàng trăm người đập phá tan tành” - ông Hà Phước Mai cho hay.
 
Thánh địa Mỹ Sơn thoát khỏi nạn “diệt vong” chìm dưới lòng hồ. Ảnh: LÊ PHI

Đòi đập chùa Ông Bổn

Người Hội An có câu “Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn” nhằm diễn tả sự gắn kết không thể tách rời của hai di tích này. Chùa Ông Bổn là hội quán bang Triều Châu của người Hoa. Năm 1979, Trung Quốc xua quân xâm phạm biên giới nước ta. Quần chúng thị xã Hội An mít-tinh và đưa ra chương trình cùng cả nước đánh thắng quân bành trướng Bắc Kinh. Phụ nữ Hội An ký tên đòi đập phá tượng Mã Viện (tượng này được dựng trong chùa Ông Bổn. Mã Viện là người đưa quân xâm lược nước ta mở đầu cho 500 năm nô lệ phương Bắc - PV) và đóng cửa ngôi chùa này. Vì đây là tổ tiên của quân bành trướng Bắc Kinh. Mã Viện lại là người có tội lớn với dân tộc ta nên không có lý do gì phải thờ ở Hội An. 

“Đơn đập phá chùa, tượng Mã Viện được hàng ngàn hội viên phụ nữ đồng thuận. Phụ nữ Hội An đồng loạt ký tên và mang đến Văn phòng Thị ủy Hội An” - ông Hà Phước Mai nhớ lại.

 
Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hồ Nghinh trong một lần gặp mặt tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: TƯ LIỆU

Một lần nữa phố cổ lại đứng trước nguy cơ bị phá. Buổi sáng Thị ủy Hội An gửi công văn cho ông Bí thư Hồ Nghinh, chiều đã thấy ông có mặt. Đứng trước hàng ngàn người, ông Nghinh khuyên ngăn: “Đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân đã tự tay xây dựng để chiêm bái hằng năm. Hơn nữa đây là hội quán của bà con người Hoa. Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa, mang quân xâm lược nước ta, hơn lúc nào hết ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. Chùa Ông Bổn không chỉ thờ Mã Viện mà còn là nơi thờ các phúc thần khác. Theo tôi, ta vận động bà con cất bài vị Mã Viện đi thôi. Sau đó thì hàng ngàn người dân Hội An đã trấn tĩnh lại và không còn quyết tâm phá bằng được ngôi chùa này”. 

Chính nhờ sự can thiệp kịp thời ấy mà Hội An còn giữ được đến tận ngày nay. Lời tiên đoán của ông Hồ Nghinh về việc Hội An sẽ tấp nập đón du khách và “hái” tiền cho tỉnh Quảng Nam cũng trở thành sự thật. Sự minh triết của ông Hồ Nghinh đã cứu nguy cho Hội An đến hai lần. 

Mỹ Sơn “thoát nạn” chìm dưới lòng hồ

Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc đền tháp cổ của người Chăm. Đây từng là khu đất Ấn giáo linh thiêng với hơn 70 đền tháp xây dựng từ giữa thế kỷ 7-13. Các vua Chăm trước đây chọn Mỹ Sơn để đóng đô và xây dựng các đền tháp để thờ các vị thần. 

Một lần nữa, người cứu thánh địa Mỹ Sơn không ai khác ngoài ông Hồ Nghinh. Ông Nghinh quê vốn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), thánh địa Mỹ Sơn cũng nằm tại huyện này. 

Cuối thập niên 1970 đầu 1980, nhiều vùng đất ở Quảng Nam không thể sản xuất. Năng suất lương thực thấp, đời sống khốn khó. Để thoát khỏi đói nghèo phải làm thủy lợi. Xây hồ, đắp đập là nhiệm vụ tối ưu. Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức họp để triển khai dự án chặn dòng và xây dựng hồ chứa nước tại Khe Thẻ. Nếu Huyện ủy Duy Xuyên cho phép xây dựng đập Khe Thẻ thì toàn bộ thánh địa Mỹ Sơn sẽ chìm dưới lòng hồ. Lãnh đạo huyện chia ra làm hai phe: phe đồng ý và phe phản bác. 

Phe phản bác không phải vì tiên lượng được sau này thánh địa Mỹ Sơn sẽ là di sản văn hóa của thế giới. Mà phản bác vì “không muốn xóa đi một chứng tích tội ác chiến tranh”, do một số đền tháp tại Mỹ Sơn bị bom đạn tàn phá. Phe “đồng ý” lại nhất nhất yêu cầu phải xây đập Khe Thẻ để hỗ trợ cung cấp nước cho đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn. Sau đó thì phe “đồng ý” thắng thế. Mỹ Sơn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. 

Vừa hay tin, ông Hồ Nghinh đã trực tiếp về quê để cứu lấy Mỹ Sơn. 

Theo ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thì: “Khi đưa ra dự án xây hồ, anh Nghinh đã quyết liệt phản đối. Anh ấy nghiên cứu rất kỹ dự án và gạt ngay dự định ngăn đập Khe Thẻ của lãnh đạo huyện. Nếu anh Nghinh không có tầm nhìn xa mà đồng ý ngay thì hiện nay thánh địa Mỹ Sơn đã chìm dưới lòng hồ. Quảng Nam sẽ không còn di sản thế giới này nữa”. 

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cũng cho biết: “Ông Hồ Nghinh đóng vai trò rất quan trọng đối với Hội An và Mỹ Sơn. Nếu không có sự sáng suốt của ông thì Quảng Nam sẽ không có hai di tích mang tầm di sản văn hóa thế giới như ngày nay”. 

Quảng Nam đang bước vào thời gian nước rút chuẩn bị cho Lễ hội “Festival di sản lần thứ 5” mang tầm quốc tế. Một tỉnh nhỏ bé như Quảng Nam lại có đến hai di sản thế giới thì trên Trái đất này ắt chỉ có một. Trên thế giới cũng không có người nào tới hai lần ra tay cứu lấy hai di sản văn hóa của thế giới như Hồ Nghinh.

LÊ PHI

5 nhận xét :

  1. CHĨ TIẾC RẰNG NHỮNG NGƯỜI CÓ TẦM NHÌN XA NHƯ ÔNG HỒ NGHINH RẤT HIẾM HOI Ở XÃ HỘI NÀY .
    LÚC ĐÓ (SAU 1975) , NHỮNG GÌ THUỘC VỀ PHONG KIẾN , THỰC DÂN HAY ĐẾ QUỐC ĐỀU BỊ XẾP VÀO 'VĂN HÓA PHẢN ĐỘNG' VÀ PHẢI XÓA BỎ HAY TIÊU HỦY KHÔNG THƯƠNG TIẾC !
    CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN là những công văn giửa triều đình và địa phương (từ 1802-1945) . Sau 1975 , những châu bản này nằm quên lãng trong BỤI BẶM VÀ MỐI MỌT tại nhà kho cũa thư viện quốc gia cũa chế độ Sài gòn . Sau một thời gian dài , người ta mới để mắt đến nó và mới đây phát hiện những văn bản nói về chũ quyền cũa VN đối với Hoàng sa (do vua Bão Đại ký) .

    Trả lờiXóa
  2. Kính thưa các vị lãnh đạo cấp cao Việt nam

    Khi nào trong dòng tộc của các vị mà còn cái nhà thờ họ, còn cái bàn thò tổ tiên thì xin hãy nhớ tới di sản quốc gia dùm cho chúng em một cái ạ.

    Xin đội ơn !

    Trả lờiXóa
  3. Hoan nghênh và xin bày tỏ sự khâm phục; sự biết ơn Ông HỒ NGHINH-người có tâm trí sáng suốt, tầm nhìn xa kết hợp với lòng nhiệt tình đầy sức mạnh thu phục nhân tâm đã có công lao to lớn đối với Đất nước và Dân tộc trong việc giữ gìn những di sản văn hóa văn hóa của thế giới !

    Trả lờiXóa
  4. Cung An Định thuộc quần thể khu di tích cố đô Huế cũng là một thí dụ nhỏ về sự ấu trĩ và vô văn hóa của những người CS. Trước giải phóng 1975, trên trần nhà và các bức tường của cung có những bức tranh tường và hoa văn vô cùng tinh xảo, đẹp mắt, do vua Khải Định huy động các thợ giỏi nhất VN, thậm chí cả Đông Dương đến làm.
    Sau giải phóng, nhằm triệt để xóa đi di sản của "bọn thực dân phong kiến", khi tiếp quản cung làm nơi làm việc, người ta đã cho quét mấy lớp vôi vữa đè lên các kiệt tác đó, cho đục tường mắc ống nước, làm nhà vệ sinh, làm mất đi hoàn toàn các hoa văn trên tường.
    May thay, đến những năm đầu thập niên 2000, chính phủ CHLB Đức đã viện trợ hàng trăm nghìn Euro thuê các thợ ở TP Huế đến cạo từng cm2 các lớp vữa để lộ diện các bức tranh tường và các hoa văn và phục hồi lại chúng. Nếu ngày đó TP Huế có ông Hồ Nghinh thì có lẽ sẽ không xẩy ra chuyện đó.

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ có ô. BT Hồ Nghinh cứu di sản văn hoá TG thì kể ra còn có những ô . BT chỉ đạo phá di sản VHTG như phá thành Huế sao không thấy kể ra ? Ngày 30/4/75 bao nhiêu đồ vật quí ở miền Nam vẫn còn y nguyên, sau đó biến mất, ai chỉ đạo ?

    Trả lờiXóa