Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

GS. TRẦN NGỌC THÊM TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN THANH LỢI - BÀI 2

Lời dẫn của Tễu Blog: Vừa qua, tác giả Nguyễn Thanh Lợi có đăng bài báo tố cáo GS.TS Trần Ngọc Thêm, ủy viên Hội đồng lý luận trung ương Đảng, giám đốc Trung tâm văn hóa học ứng dụng Trường Đại học KHXH-NV TP. Hồ Chí Minh cùng nhóm tác giả đã đạo văn của nhiều nhà nghiên cứu khác. Bài đăng trên báo Thể thao & Văn hóa, chúng tôi có đăng lại ở đây

Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã có bài viết để trả lời những phê bình của Nguyễn Thanh Lợi đối với cuốn 'Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ' đăng trên báo Thể thao & Văn hóa số ra ngày 23-7-2014. Bài trên Thể thao & Văn hóa (có cắt bớt đoạn đầu và các chú thích nguồn), xem tại đây. Bài đầy đủ đăng tải trên website của Trung tâm văn hóa học ứng dụng Trường Đại học KHXH-NV TP. Hồ Chí Minh, tại đây. 

Tôn trọng tranh luận đa chiều, chúng tôi đăng tải lại toàn bộ bài viết của Giáo sư Trần Ngọc Thêm bản đầy đủ đăng trên website của Trung tâm văn hóa học ứng dụng Trường Đại học KHXH-NV TP. Hồ Chí Minh.

TRẢ LỜI NHỮNG PHÊ BÌNH CỦA NGUYỄN THANH LỢI
ĐỐI VỚI CUỐN “VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT VÙNG TÂY NAM BỘ”
Trần Ngọc Thêm

Vanhoahoc.vn: Báo “Thể thao & văn hóa” số ra ngày 23-7-2014 đã đăng bài trả lời của chúng tôi về những phê bình của Nguyễn Thanh Lợi đối với cuốn “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” (in trong báo “Thể thao & văn hóa” số ra ngày 9-7-2014), tuy nhiên báo có lược bớt đoạn đầu và các chú thích. Dưới đây là bản đầy đủ của bài trả lời này.

Trên báo “Thể thao & văn hóa” số ra ngày 9-7-2014 có đăng bài của Nguyễn Thanh Lợi nhan đề “Cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ: Tái bản vẫn quá nhiều sai sót”. Bài viết bắt đầu bằng thông tin giới thiệu rằng “Không phải lần đầu tiên công luận đề cập tới những sai sót của cuốn sách”. Để cho minh bạch, xin thưa rằng, “công luận” được đề cập ở đây chính là bài viết đầu tiên của Nguyễn Thanh Lợi đăng trên báo Nhân dân cách đây 5 tháng, và chúng tôi đã phản hồi ngay trên báo Nhân dân số ra ngày 18/02/2014. Nhằm giúp cho người đọc có cái nhìn hai chiều để hiểu đúng vấn đề, chúng tôi xin trao đổi về những điều tác giả đã nêu ra trong bài thứ hai này như sau: 

1. Về chuyện giường thờ, Nguyễn Thanh Lợi viết “Giường thờ… được đóng riêng chỉ dùng cho mục đích ấy [mục đích thờ - TNT]... Bản thân giường ngủ đã bị xem là “ô uế” thì làm sao có thể đem ra thờ cúng ông bà được”.

Đúng là giường thờ ở Nam Bộ hiện nay (thường chính là cái bàn thờ) thường được đóng riêng cho mục đích thờ (nếu là bàn thờ thì càng đương nhiên). Nhưng trong lịch sử vốn không phải như thế. Khởi đầu, chính là do kính trọng ông bà mà sau khi các cụ mất đi, cái giường mà ông bà đã nằm được đem ra thờ chứ con cháu không sử dụng nữa. Phong tục này đã được nhà văn Sơn Nam xác nhận trong bài “Lễ giỗ” in trong tập “Nói Về Miền Nam”: “Ở miền quê, quen gọi “cái giường thờ”, vì như đã nói ở phần trước, lấy cái giường ngủ của người quá cố đem ra thờ (như khi còn sống)… Cái giường, vì nhu cầu thâu hẹp, lần hồi được thay thế với cái bàn thấp, đặt sát vách, khi làm đám giỗ, thức ăn chưng bày trên đó”[1].

Như vậy, với thời gian, giường thờ đã được thay thế bằng bàn thờ, nhưng hai thứ này có chức năng khác hẳn nhau: giường thờ (cũng như ảnh thờ, bài vị) là biểu tượng của người chết, do vậy nó chính là đối tượng thờ; còn bàn thờ chỉ thực hiện chức năng phụ của giường thờ (dùng làm chỗ để đồ cúng). Giường thờ thực sự (mà người chết đã nằm) ở Tây Nam Bộ hiện nay thường chỉ thấy ở một số ngôi nhà cổ (chiếc giường thờ trong ảnh ở hình II-10.1 ở trang 210 trong sách của chúng tôi chính là một chiếc giường cổ đã qua sử dụng như vậy).

Thờ người chết qua biểu tượng cái giường không chỉ là phong tục riêng của Tây Nam Bộ mà có nguồn gốc sâu xa từ phong tục của miền Trung, miền Bắc. Về Huế, ta vẫn thấy những chiếc long sàng của vua chúa đã qua sử dụng được đặt thờ trong các khu lăng tẩm. Ở miền Bắc, cá biệt vẫn có những gia đình còn lấy chiếc giường mà ông bà đã nằm kê cao lên để làm bàn thờ. 

2. Về bàn thờ Thiên, Nguyễn Thanh Lợi viết: “bàn thờ Thiên (bàn Thông Thiên) là “bàn thờ vuông đặt trên cây trụ tròn”, nhưng 4 tấm hình minh họa ở trang 213 lại cho thấy toàn là các cột vuông? Và sách còn cho biết thêm là có thể đặt mâm ngũ quả trên bàn Thiên để cúng dịp tất niên”.

Nếu nhìn kỹ một chút thì sẽ thấy rằng 4 tấm hình bàn thờ Thiên của chúng tôi ở trang 213 không phải là “toàn là các cột vuông”: Các hình số 1 và 3 có cột tròn, chỉ có hai hình số 2 và 4 là có cột vuông. Tại sao nguyên lý là bàn vuông đặt trên cột tròn, mà thực tế lại có cột tròn, cột vuông? Điều này thật dễ hiểu: Thứ nhất, vì người bình dân không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của các phong tục, bởi vậy mà có không ít phong tục gốc dần dần đã bị thực hành sai lạc. Thứ hai là tuy có thể thiếu hiểu biết, nhưng ngày xưa khi lập bàn Thiên, bàn thờ, các cụ thường phải kêu thầy, kêu thợ hướng dẫn, còn ngày nay con cháu đơn giản, đại khái nên dễ dẫn đến việc tiện thế nào thì làm thế ấy: xưa chủ yếu dùng chất liệu gỗ thì cột tròn dễ làm hơn; nay xây bằng gạch thì cột vuông mới dễ làm hơn.

Còn về đồ cúng thì người Tây Nam Bộ thường có gì cúng nấy, do vậy vào dịp tất niên, tùy nhà, tùy vùng mà người ta có thể đặt lên bàn thờ Thiên từ hương hoa, xôi chè, cho đến mâm ngũ quả (gọi là “mâm”, nhưng để phù hợp với kích thước của bàn Thiên, chỉ cần một chiếc đĩa to với vài loại trái cây là được). Tục thờ Thông Thiên ở vùng đất Mũi cũng xác nhận: “Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời”[2]. 

3. Về hò, Nguyễn Thanh Lợi viết “Khái niệm mái trong hò ở đây nên hiểu là lớp mái, lớp trống chứ không phải là “mái chèo”, mỗi mái chính là 1 đoạn”. Tuy không giải thích kỹ, nhưng chúng tôi cũng chưa hề viết ở đâu rằng “mái” ở đây là “mái chèo”. Ngược lại, ở trang 140-141, chúng tôi đã nói rõ: “Trong hò Tây Nam Bộ, thường phải có một người xướng lên lời kể, gọi là “cái kể”, và nhiều người làm bè phụ họa gọi là các “con xô” (xướng - xô); cái kể (người xướng) được xem là thuộc lớp mái (âm), con xô được xem là thuộc lớp trống (dương)”. 

Nguyễn Thanh Lợi còn phê bình việc chúng tôi xếp hò đưa linh vào loại “hò tôn giáo”. Theo tác giả, “Hò đưa linh là hò phong tục nghi lễ, dành cho các nhân quan và đạo tỳ”. Nhưng phong tục nghi lễ thì có phong tục nghi lễ mang tính tôn giáo và phong tục nghi lễ đời thường. Hò đưa linh do các nhân quan và đạo tỳ (ở miền Bắc thì do các bà vãi) thực hiện với ý nghĩa đưa linh hồn người chết về nơi chín suối thì chẳng phải là mang tính tôn giáo (theo nghĩa rộng, bao gồm mọi hình thức tin tưởng vào các thế lực siêu nhiên) hay sao? 

4. Về Lý, Nguyễn Thanh Lợi viết: “các tác giả cuốn sách quả là bạo gan khi dám cắt nghĩa và diễn giải: “Lý” nghĩa là “làng”… (tr. 340). Đúng là trong tiếng Hán, “lý” còn có nghĩa là “làng” nhưng từ “lý” trong tiếng Nôm ở đây lại chỉ một thể loại âm nhạc dân gian không liên quan gì với nghĩa là “làng” cả.”

Trước hết, ta hãy bắt đầu từ cái mà Nguyễn Thanh Lợi gọi là “tiếng Nôm” (mặc dù thực ra chỉ có “tiếng Việt” và “chữ Nôm”, chứ không có cái gì gọi là “tiếng Nôm” cả): Từ “lý” được tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán (vốn có nghĩa là “làng, quê” hoặc “dặm”). Từ đây hình thành khái niệm “hát lý” với nghĩa gốc là lối hát làng quê. Trong chữ Nôm, chữ “lý” trong “hát lý” được ghi bằng hai cách: chữ lý Hánghép với bộ khẩu để thành 哩, hoặc ghép với bộ nhân đứng để thành (chỉ nghĩa ‘chân quê, thô mộc’). Chính chữ Nôm thứ hai này đã được Huỳnh Tịnh Của dùng để giải thích khái niệm “hát lý” trong cuốn “Đại Nam quốc âm tự vị” xuất bản năm 1895: “ : quê mùa. Hát lý: hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại” (tập 1, trang 563). 

Ngoài ra, tính chất gắn với làng quê của hát lý vẫn còn để lại dấu ấn rõ nét không thể nào phủ nhận trong những tên gọi chỉ địa danh như “Lý Cái Mơn” (Cái Mơn nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), “lý Ba Tri” (Ba Tri nay là thị trấn của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), hoặc chỉ một vùng đất như “lý đất giồng”. 

5. Về múa bóng rỗi, Nguyễn Thanh Lợi viết: “sách còn dám cho là “hình thức diễn xướng vừa mang tính nghi lễ tôn giáo”, “gắn với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng và được tổ chức trong dịp Lễ hội Kỳ yên diễn ra ở các đình-miếu Tây Nam Bộ”(tr.346-347). Múa bóng rỗi chỉ gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần (năm bà Ngũ Hành, Chúa Xứ) và chỉ diễn ra ở miếu chứ không hề diễn ra trong đình làng thờ thần Thành Hoàng”.

Ở đây, Nguyễn Thanh Lợi đã cắt xén và lắp ghép ba vế từ những câu, đoạn khác nhau lại để phê phán. Ở đầu trang 346, chúng tôi viết: “Giống như hát sắc bùa, múa bóng rỗi là một hình thức diễn xướng vừa mang tính nghi lễ tôn giáo vừa mang tính sinh hoạt văn nghệ dân gian”. Cuối trang này, chúng tôi viết: “Vì là một loại múa hát nghi lễ - tôn giáo mang tính dân gian sâu sắc nên múa bóng rỗi Tây Nam Bộ là một bộ phận không thể thiếu được của tín ngưỡng thờ Bà và Lễ hội Bà Chúa Xứ…”. Sang trang 347, chúng tôi viết: “Ngoài ra, múa bóng rỗi cũng gắn với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng và thường được tổ chức trong dịp Lễ hội Kỳ yên diễn ra ở các đình - miếu Tây Nam Bộ”. Điều thứ nhất và thứ hai là đúng. Trên nền của chúng và những hiểu biết về đình Nam Bộ, điều thứ ba cũng không có gì sai.

Sở dĩ nói như vậy là vì đình ở Nam Bộ là một thiết chế mang tính tổng hợp và tính mở thoáng rất cao. Ngoài việc thờ thần hoàng bổn cảnh là chức năng chính, đình Nam Bộ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng còn tích hợp việc thờ các nữ thần, các bà cô ông cậu, các loại á thần, á thánh, các anh hùng dân tộc (nhiều đình thờ cả Bác Hồ). Các đối tượng này được phối thờ ngay trong nội cung của đình hoặc thờ riêng trong các miếu (hay miễu) đặt trong khuôn viên của đình. Một đình thường có thể chứa từ hai đến bốn miếu. Vì vậy việc lễ hội Kỳ yên không chỉ bao gồm các nghi thức cúng đình mà cả các nghi thức cúng miếu; trong đó nghi thức dâng hương múa bóng rỗi có thể được thực hiện vào đầu hoặc cuối kỳ lễ là chuyện quá bình thường. Đây là miêu tả của một người trong cuộc về lễ hội Kỳ yên năm 2012 tại Đình Xuân Lập (Long Khánh, Đồng Nai): “Lễ hội Kỳ Yên nơi xã tôi năm nay gồm các phần: Dâng hương múa bóng rỗi, cúng Năm Bà Ngũ hành, Lễ tế đằng yết, lễ Tế Tiền Hiền, Múa Địa Nàng hát chập, Múa Mâm vàng Lễ Năm Bà, Lễ tế Đàn Cả, Lễ tế Hậu Hiền, Lễ tế hoàn mãn…”[3]
*** 
Trở lên là quan điểm của chúng tôi về những ý kiến của Nguyễn Thanh Lợi, hy vọng làm sáng tỏ những thắc mắc nảy sinh do trong sách, những người viết đã chưa giải thích đủ cặn kẽ, hoặc chủ quan cho rằng độc giả sẽ không nghĩ nhầm. 

T.N.T


3 nhận xét :

  1. Ông Trần Ngọc Thêm đã nổi danh là người chôm chỉa kiến thức của nhiều người khác. Chỉ cần đọc lại các phân tích của Trần Mạnh Hảo về công trình ông Thêm viết về văn hóa Việt Nam là rõ thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Cổ nhân có câu "nhân vô thập toàn", việc những sai sót trong một công trình của 16 người là không thể không có, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Còn nói về Trần Ngọc Thêm thì cả nước biết đến những công lao và những đóng góp của Cụ. Bây giờ đạo đức xã hội xuống cấp, học trò chỉ chuyên tìm một vài chi tiết đâu đó liên quan để chửi thầy - mà họ không biết rằng, sở dĩ có được kiến thức và sự hiểu biết như những gì đang có, là không thể không nhắc đến công lao những người như Trần Ngọc Thêm và bao người khác. Đọc qua mấy bài bút chiến kiều này tôi không khỏi thấy ghê thê hệ học trò trong buổi hỗn loạn này.. Mong thầy Thêm bình tâm và cũng cần có những đính chính lại một vài thiếu sót đối với công trình qua thảo luận lại với 16 người. Kính chào thầy !

    Trả lờiXóa
  3. Ông Trần Ngọc Thêm kiến thức rất non kém, nhất là về Dịch lý. Tôi có anh bạn học Cao học ở Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGTPHCM, khi được học một môn học do Trần Ngọc Thêm dạy, bạn tôi đã thốt lên rằng "ông này chẳng hiều gì về Dịch lý, và tuyên bố bỏ học Cao học. Chuyện này có thật 100%, nếu ai không tin, tôi cho mọi người xem bạn tôi và vị giáo sư Thêm này đối chất xem, trình độ giáo sư mà non kém đến thế thì dạy ai. Riêng tôi, tôi chấp Trần Ngọc Thêm!

    Trả lờiXóa