Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

CỤC DI SẢN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ ANH HÙNG NGUYỄN TRUNG TRỰC

Cục Di Sản Văn Hóa yêu cầu giải quyết khiếu nại về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Lê Đại Anh Kiệt
Bài trước: Hậu duệ Anh hùng Nguyễn Trung Trực “kêu cứu”: Thờ hài cốt giả, rước sắc thần khống, giỗ sai ngày….


Ngày 09/09/2014, Cục Di Sản Văn Hóa, Bộ VHTT& DL đã có văn bản số 596/ DSVD-PVT gởi Sở VHTT& DL Kiên Giang thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh (cháu đời thứ năm của Nguyễn Trung Trực) về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT& DL để xem xét giải quyết và báo cáo kết quả về cho Bộ.

Pháp xây mộ làm bia cho tử tội Nguyễn Trung Trực

Nhà văn Sơn Nam và  các quan chức tỉnh Kiên Giang đứng trước ngôi mộ đá được cho là mộ của anh hùng Nguyễn Trung Trực trước khi cải táng (Ảnh tư liệu của ông Dương Văn Cầu, cán bộ Bảo tàng Kiên Giang cung cấp)


Vừa qua, liên quan đến nội dung khiếu nại này, Báo Pháp Luật Việt Nam đã đăng loạt bài viết “Đằng sau nghi vấn về hài cốt anh hùng Nguyễn Trung Trực” phân tích những bất hợp lý giữa bộ hài cốt được cho là của anh hùng Nguyễn Trung Trực với những tài liệu lịch sử. Trong khi lịch sử ghi nhận Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém năm 30 tuổi thì theo giám định đây là bộ hài cốt của người 50 tuổi, xương cổ còn nguyên vẹn. Căn cứ duy nhất để xác định đây là hài cốt Nguyễn Trung Trực là lời chỉ dẫn và cam kết của nhà văn Sơn Nam nhưng lời cam kết và chỉ dẫn này lại mâu thuẫn với nội dung nhà Sơn Nam đã viết trong sách báo trước đây. Ngôi mộ được chỉ định khai quật là ngôi mộ đá có bia chữ Hán, có hoa văn trang trí, trong khi trước đây Sơn Nam viết chỉ là mảnh đất bằng phẳng gần gốc cây đa, không có dấu hiệu gì hết. Điều mâu thuẫn hơn nữa là lẽ nào người Pháp lại xây mộ, lập bia ngay trong dinh Tỉnh trường một kẻ tử tội “đã giết rất nhiều sĩ quan và binh lính Pháp”?. Theo hồ sơ của Pháp để lại thì tên việt gian Huỳnh Công Tấn sau khi bắt được Nguyễn Trung Trực có báo cáo Thống Đốc Nam Kỳ xin tha tội chết nhưng đã được trả lời là “Không thể tha mạng cho người đã giết quá nhiều sĩ quan và binh lính Pháp”.

Ai cũng giỗ ngày mất, chỉ Kiên Giang giỗ sai ngày

Sử sách ghi nhận anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 27/10/1868 nhằm ngày 12/09 năm Mậu Thìn AL. Các chi tộc con cháu cụ Nguyễn ở Cái Bè, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo tỉnh Long An tổ chức kỷ niệm hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vào ngày 12/9 AL. Hầu hết các đình, đền thờ cụ Nguyễn cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này. Được biết sau giải phóng, tỉnh Kiên Giang cũng đã tổ chức kỷ niệm cụ Nguyễn theo ngày dương lịch là 27/10. Tuy có khác nhau về sử dụng dương lịch hay âm lịch nhưng vẫn theo mẫu số chung là căn cứ vào ngày hy sinh nên vẫn xem là phù hợp. Thế nhưng, từ năm 1987 đến nay, sau khi Đình Nguyễn Trung Trực được phong di tích quốc gia, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực vào ngày 28/08 ÂL (trước ngày mất gần nửa tháng) không biết dựa vào căn cứ nào? Theo tâm thức người Việt, việc cúng giỗ sai ngày là điều tối kỵ, thất lễ, thậm chí xúc phạm vong linh người đã mất

 Đặc biệt, theo thông tin từ báo Kiên Giang, kể từ năm nay lễ giỗ Nguyễn Trung Trực được phong là lễ hội “Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” nhưng vẫn giỗ sai ngày: giỗ vào ngày 26-8Al.

Rước sắc thần được phong năm Nguyễn Trung Trực mới 14 tuổi

Lễ rước sắc thần hoành tráng, nhưng sắc thần không liên quan gì đến Nguyễn Trung Trực.

Trong lễ hội kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trung Trực, có nghi thức rước Sắc Thần long trọng, thu hút hàng vạn người tham dự, trong đó có cả các quan chức. Hiện nay tại đình Nguyễn Trung Trực có tới hai Sắc Thần như sau:

1/ Sắc Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại Tướng Quân do vua Tự Đức ấn phong vào năm 1852

2/ Sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) cũng được vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian với Sắc Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại Tướng Quân vào năm 1852

Điều này hoàn toàn vô lý vì năm 1852 cụ Nguyễn Trung Trực mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh, vì sao lại được phong Thần? Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghị căn cứ ''Cơ mật viện trích tư sự,'' đề ngày 6 tháng 2 năm Tự Đức 24, tức 1872 cho biết: "Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng..”. Như vậy, 20 năm sau ngày có sắc thần này vua Tự Đức chưa biết Nguyễn Trung Trực là ai, rõ ràng hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực.

Có hai bà Đạt, tuổi bà này bằng tuổi con bà kia!

 Trước đây, người ta chỉ biết AHDT Nguyễn Trung Trực quê ở Bình Định, vào Nam từ nhỏ, có ba anh em là Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Trung Trụ (chi Cái Bè hiện nay) và Nguyễn Thị Đạt. Trong Hội thảo Khoa học về thân thế và sự nghiệp anh hùng Nguyễn Trung Trực năm 1988, Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang thời đó) và ông Dương văn Cầu (Cán bộ Lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: “Thêm một phát hiện về thân thế anh hùng Nguyễn Trung Trực”, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau.

Theo đó, Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người em thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì không có ông Nguyễn Trung Trụ. Ngược lại theo các chi phái ở Bình Nhật và Cái Bè thì không có thông tin nào cha mẹ Nguyễn Trung Trực vào Nam.

Năm 1991, ông Mạc Liêm phó GĐ sở VHTT chỉ đạo ông Phạm Đăng Giới cán bộ Sở với Nguyễn Khương Ninh đi xác minh đối chiếu gia phả bia mộ. Qua sự xác minh này, ông Phạm Đăng Giới đã làm văn bản báo cáo cụ thể gởi cho sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Kiên Giang với kết luận: Dòng họ Bến Lức- Long An và dòng họ Cái Bè -Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị sở VHTT và bảo tàng Tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai.

Điển hình rõ nhất về sự không trùng khớp của chi nhánh Tân Thuận so với chi nhánh gốc ở Bình Nhật, Long An là năm sinh của bà Nguyễn Thị Đạt người được cho là em thứ sáu của Nguyễn Trung Trực ở Tân Thuận bằng với năm sinh của bà Đào Mỹ Xuân con gái của Nguyễn Thị Đạt ở Bình Nhật.

Được biết từ năm 1987 đến nay, ông Nguyễn Khương Ninh đã 15 lần gởi đơn khiếu nại với các cơ quan chức năng nhưng không được quan tâm giải quyết. Một lễ hội văn hóa cấp quốc gia mà lại có những sai sót hết sức căn bản là giỗ sai ngày, rước sắc thần không liên quan đến người chết, cúng một bộ hài cốt thiếu căn cứ và có đầy nghi vấn thì quả là đáng tiếc.


5 nhận xét :

  1. Cái học của quan thời nay còn chưa thật thì lấy đâu trình độ thật để thẩm định cái thật ? Hơn nữa thời đại của Giả Dối. Cho nên ND cứ phải nghe mãi những giả dối rồi tưởng giả dối đó là thật !

    Trả lờiXóa
  2. "từ năm 1987 đến nay, ông Nguyễn Khương Ninh đã 15 lần gởi đơn khiếu nại với các cơ quan chức năng nhưng không được quan tâm giải quyết." (trích). Các cơ quan hữu trách và nhất là Sở VHTT& DL Kiên Giang rất thiếu trách nhiệm khi không giải quyết tường tận vụ việc này. Các quan chức chắc chỉ lo ăn nhậu và tham nhũng nên không còn thì giờ làm việc chuyên ngành. Các quan tổ chức lễ hội văn hoá cấp quốc gia hàng năm với những dữ kiện bát nháo như vậy mà cũng làm được sao? Vô trách nhiệm!

    Trả lờiXóa
  3. Nhân dân KG rất quan tâm và muốn biết sự thật như thế nào nhưng báo KG - tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân KG - lâu nay không hề cung cấp những thông tin cần thiết, có liên quan. Có thể do thiếu cái tâm (trách nhiệm) và cái tầm (năng lực, trình độ) thì phải. Dù sao đó cũng là khuyết điểm đối với Cụ Nguyễn và nhân dân KG.

    Trả lờiXóa
  4. Cả xã hội là 1 tuồng hề rùi thì kiếm đâu ra sự thật. Trong chuyện này chắc có nguyên nhân của nó. Điều khó tránh khỏi là sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.

    Trả lờiXóa
  5. quan trọng là xây những cái gì? giải ngân bao nhiêu tiền? phong bì kiếm có dầy hay không?? chứ với bọn chúng nó còn dùng cả xương lợn thay xương liệt sỹ được cơ mà.

    Trả lờiXóa