Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

ẨU NHƯ....LÀM SÁCH Ở VIỆT NAM

Từ vụ NXB Văn hóa - Thông tin bị đề nghị tạm dừng hoạt động: Ẩu như... làm sách

Hà Thu (Báo Dân Việt)
08:00 - 14 tháng 12, 2014

Như NTNN só 297/2014 thông tin, Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Thông tin trong vòng chưa đến 1 năm đã cho ra thị trường tới 60 quyển sách có sai phạm và bị Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) xử lý. Bộ TTTT vừa đề nghị Bộ VHTTDL tạm dừng hoạt động xuất bản của Nxb này.

Trăm kiểu sai phạm
 
 .
Trong 60 cuốn sách sai phạm này của NXB Văn hóa Thông tin, có 11 cuốn sách vi phạm về nội dung, 49 cuốn sách vi phạm về ghi thông tin, xác nhận đăng ký xuất bản… Những con số đó cho thấy sự cẩu thả trong lĩnh vực xuất bản hiện nay đã lên tới mức báo động đỏ.

Một số cuốn sách của NXB Văn hóa Thông tin bị Cục Xuất bản xử lý trong năm 2014.

Điểm danh những cuốn sách của NXB Văn hóa Thông tin vi phạm từ đầu năm 2014 đến nay có thể thấy toàn những lỗi sai “không hiểu nổi”. Ví dụ như cuốn “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân” do TS Nguyễn Hoàng Điệp và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đồng chủ biên, mắc quá nhiều sai sót dữ kiện như viết sai năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1944 thành 1943 (trang 104), lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức vào ngày 13.10 đã viết sai thành 13.12 (trang 111), ghi sai chức danh “nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết” khi vẫn đương nhiệm Chủ tịch nước… Cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” của TS Nguyễn Hoàng Điệp và Đức Thông chủ biên thì sai về tranh minh họa các nhân vật lịch sử khiến các nhà sử học phải lên tiếng gọi đó là kiểu “minh họa bá láp”.

Cuốn sách “Hỏi đáp nhanh trí” thì khiến nhiều người phát hoảng vì những câu hỏi, hình ảnh minh họa quá phản cảm, bạo lực và nhảm nhí. Chẳng hạn, tại trang 29, với câu hỏi: “Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?”. Đáp án cho câu hỏi này là “bị mồ côi”. Một cuốn khác của NXB Văn hóa Thông tin cũng “nổi đình nổi đám” và đã bị xử lý là “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”, tên là dành cho thiếu nhi nhưng biên tập lại đưa cả vào một câu truyện thần thoại Hy Lạp có nhiều đoạn mô tả khá “bạo liệt” những chi tiết tình ái chỉ dành cho người đọc tuổi 18 trở lên.

Ngoài một số sai phạm về lỗi biên tập, nội dung kể trên, NXB này còn bị xử lý vì những sai sót trong thủ tục, trình tự xuất bản như cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" (tác giả Vũ Chất) không nộp lưu chiểu theo quy định. Nội dung cuốn sách có nhiều chỗ giải nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ. Cuốn "25 tướng lĩnh Việt Nam" (tác giả Nguyễn Ngọc Phúc) có một số chi tiết chưa chính xác về nhân vật, sự kiện lịch sử.

Cuốn "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc không có xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, In và Phát hành… Còn nhớ ở thời điểm khi những vụ “lùm xùm” về sách của NXB Văn hóa Thông tin xảy ra, khi phóng viên NTNN hỏi lãnh đạo của NXB, hầu hết đều nhận được một phản ứng khá lạ kỳ, có cuốn sách thì một vị phó giám đốc cho biết “không biết đó là sách của chúng tôi, vì không thấy trong kế hoạch xuất bản”; có cuốn thì một vị phó giám đốc khác khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Đó là sách lậu, không phải sách của NXB Văn hóa Thông tin, vì kiểm tra trong kho lưu chiểu không có tên của tác giả này”. Điều đó cho thấy, các lãnh đạo của NXB này hoàn toàn mơ hồ với các sản phẩm do chính đơn vị mình đưa ra thị trường, và sách sai, lỗi, vi phạm bị phát hiện chỉ hoàn toàn do người đọc, báo chí phát hiện ra mà thôi.

Ẩu như... làm sách

Từ xưa có câu “kỹ như làm sách” cho thấy làm sách là một công việc vô cùng nghiêm cẩn, bởi sách là kho tri thức để lưu lại cho muôn đời, một chút sai sót, dù nhỏ đến đâu cũng là một sự xấu hổ cho ê-kíp thực hiện. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có thể nói “ẩu như làm sách” bởi những sai phạm mà các NXB trên toàn quốc gây ra qua các xuất bản phẩm của mình nhiều vô kể. Khi có sai phạm xảy ra, ngay lập tức các NXB đổ ngay cho đơn vị liên kết, cứ như thể họ hoàn toàn đứng ngoài cuộc, không có trách nhiệm gì với ấn phẩm, còn các đơn vị liên kết thì trình độ biên tập viên đạt đến chuẩn nào vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Trong điều 20 của Luật Xuất bản 2012 quy định về việc “Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập”, với hình thức xử phạt bị thu hồi lại thẻ biên tập viên có các trường hợp sau: “Biên tập viên có xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy”; “Biên tập viên trong 1 năm có 2 xuất bản phẩm hoặc trong 2 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà bị buộc phải sửa chữa mới được phát hành”. Điều đó cho thấy luật đã quy định rất chặt chẽ quyền hạn và trách nhiệm của biên tập viên các nhà xuất bản, tuy nhiên, những quy định này mới chỉ nằm trên giấy, hiện nay việc cấp thẻ cho biên tập viên vẫn chưa được tiến hành.

Để hạn chế những sai sót trong xuất bản, ngoài việc các cơ quan chức năng đưa ra các mức phạt chính xác, nghiêm minh thì không có cách nào khác hơn là phải gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân với sản phẩm mà họ có tham gia trong quá trình xuất bản.
Lập lại trật tự trong lĩnh vực xuất bản là một yêu cầu bức thiết của xã hội, đề nghị tạm dừng hoạt động với NXB Văn hóa Thông tin của Bộ TTTT là một quyết định kịp thời để chấn chỉnh lại những sai sót đã lên tới mức “báo động đỏ” trong lĩnh vực này.
Nguồn: Dân Việt.