Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

CHÙM THƠ XUÂN CỦA PHẠM CÔNG TRỨ


Giới thiệu chùm thơ Xuân của Phạm Công Trứ

Nhà thơ Phạm Công Trứ còn có bút danh Phạm Công, Phạm Thuần Việt, Phạm Thanh Tịnh… Ông sinh năm 1953 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định từng là bộ đội Trường Sơn, cán bộ giảng dạy Đại học Luật Hà Nội, công tác tại báo Pháp Luật Việt Nam. Hiện ông đã nghỉ hưu tại Hà Nội.  Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Giai phẩm Xuân Ất Mùi 2015 xin giới thiệu chùm thơ Xuân của Phạm Công Trứ 

do tác giả gửi Tễu Blog:

Tễu: Ba trong một
 
I.

Cởi trần đóng khố múa chơi
Hát rằng, giữa đất và trời có ta

Đất là mẹ, trời là cha
Chính danh gọi Tễu, tự là Thảo Dân
Gia tài độc một chữ "cần"
Trọng thực thường lấy chữ "ăn" làm đầu
Bạn thì những chó cùng trâu
Những bí cùng bầu, những lúa cùng ngô
Người ta bầu rượu, túi thơ
Mình thì khuya sớm bụi bờ đó đăng
Vui cùng con diếc, con măng
Buồn thì gõ bát hát nhăng giải sầu
Ra trận đành phận tốt đầu
Về làng thì lại cưỡi trâu ra đồng
Ai nhanh hoá hổ, hoá rồng
Ta tuy trâu chậm nhưng không sá gì
Kéo cày đã cực chai lì
Khi giương sừng nhọn hổ thì ngán ta
Đã cười, cứ phải ha! ha!
Đã hát, cứ phải í a... tình rằng...
Đã ngắm, cứ phải Thị Hằng
Đã uống, cứ phải tính bằng hũ, ang
Giáo trò nhân lúc xuân sang
Tễu tôi xin được trình làng đôi câu

II.


















Độc một mảnh khố che thân
Giấc mơ xuất ngoại đâu phần Tễu tôi
Ai ngờ dân giã lên ngôi
Thế rồi Tễu cũng đư­ợc ngồi máy bay
Ngất ng­ư trên chín tầng mây
Giật mình nhòm xuống nhà Tây chọc trời
Lung linh mặt n­ước xứ ng­ười
Diễn ra đủ cả khóc cư­ời xứ ta:
Mình voi lẫm liệt tư­ớng bà
Rồng thiêng phun lửa, rùa già đớp g­ươm
Nào là đánh dậm, úp nơm
Cày bừa, tát nư­ớc, nhào rơm, cất nhà
Nào là đám cư­ới, đám ma
Hát chèo, đấu vật, chọi gà, đánh đu...
Miền "gà trống", xứ "s­ương mù"
Ngữ ngôn dẫu khác, gật gù giống nhau
Thì ra Tây cũng như­ Tàu
Cũng thèm của lạ, cũng giàu hồn nhiên
Thì ra lắm của, nhiều tiền
Cũng cười cùng Tễu cho quên sự đời
Cũ ta lại hoá mới người
Hồn quê “rối n­ước” một thời, kém ai!
Thực là có một, không hai
Tễu tôi xuất ngoại chuyện dài... hơn sông

III.

Dưới khố, trên áo gi-lê
Đầu mang mũ phớt Tễu đi xứ người
Âu-Tây gô-tích chọc trời
Âm dương ngói úp nghìn đời Á-Đông
Chán chê xúc-xích, dăm-bông
Màn-thầu, sủi-cảo cũng không lạ gì
Nơi nâng bát, chỗ cụng ly
Trả lời phỏng vấn rồi thì ôm hôn
Người rằng: “rối nước hớp hồn
Đã câu “giã bạn” liệu còn gặp nhau?”
Tễu rằng: “chắc cũng chẳng lâu!”
Chắp tay đáp lễ, nghiêng đầu gút-bai!
Người tung mũ, kẻ vẫy tay
Ngất ngư lại chín tầng mây trở về
Bỏ mũ phớt, cởi ghi-lê
Phất phơ giải khố ao quê thật mình
Này nước tre trúc lung linh
Này mây lồng bóng thuỷ đình gần xa
Này người dân giã quê ta
Cắc tùng nhịp trống, ối a điệu chèo
Trò xưa, tích cũ trong veo
“Trình-diễn”, “xếp-đặt” ăn theo ngập ngừng

Ngàn năm vận hội phục hưng
Tễu mang hồn Việt sánh cùng thế gian.


Ca trù đầu xuân

Đầu xuân đến với ca trù
Ngất ngư­ kẻ hát, gật gù ng­ười nghe
Chiếu hoa khăn đóng, áo the
Hoà đồng cà-vạt, com-lê cùng ngồi
Tom tom... chát đã điểm rồi
Tửng tư­ng... đàn đáy r­ước mời đào n­ương
Mắt đen, môi đỏ, má h­ường
Cổ kiêu khăn vấn giải buông đuôi gà
Nhịp nhàng tay gõ, miệng ca
Buồn vui từ thuở ông cha tìm về
Lỡ làng nh­ư cụ Dương Khuê
Cụ chê Tuyết bé, Tuyết chê cụ già
Nguyền thề th­ương bác Tản Đà
Non còn nhớ n­ước, n­ước mà quên non
Tam-nguyên tay vuốt râu chòm
Ậm ờ giả điếc cụ còn lắng tai
Nghe Chu-tiến-sĩ trổ tài
Bầu Trời, cảnh Bụt hoạ bài Hư­ơng Sơn
Đầu trần kìa cụ Tú X­ương
Từ ngày ô mất cụ d­ường khoẻ ra
Nguyễn Công một gánh sơn hà
Dối già còn hỏi tình là chi chi?
Tình từ Hà Nội tình đi
Tình qua Hồng Lĩnh, tình về Tầm Dư­ơng
Tình trầm mình cửa Tiền Đư­ờng
Tình phục sinh ở văn ch­ương ca trù
Giao hoan giữa nhạc và thơ
Giữa "tom" và "chát", giữa mơ và đời
Tàn canh xuân rắc đầy trời
Khuya về lại nhớ cái ngư­ời ứ ­ư...
Xuân sau còn hát ca trù?


Lối vào "phồn thi"

Hình dung về tôi xin cứ đọc "Phồn thi"
Nếu có dịp về thăm quê tôi nữa
Xứ “Phồn thực” thơ lên xanh như­ cỏ
Trai gái giao duyên ngay cả chốn đền chùa

Con nhà nông vốn thạo việc cày bừa
Rơm rạ phân gio, đồng sâu đồng cạn
Tháng tám trắng trời, tháng t­ư đại hạn
Để tháng m­ười hồng cốm kết xe duyên

Dành cho hội hè những cả một tháng giêng
Hát văn, hát chèo diễn trò hay, tích lạ
Ông Gióng về trời chắp hai tay xá Mẹ
Cô Tấm đánh rơi hài Hoàng Tử mãi ngẩn ngơ

Thắp nén h­ương để cầu nguyện, phụng thờ
Cầu trời đất thần linh, thờ anh hùng liệt sĩ
Bao đền miếu, đình chùa cùng vần vè, chuyện kể
Thành ký ức làng lư­u giữ những nghìn năm

Nơi đồng bãi bao la: mẹ trồng lúa, chăn tằm
Nơi sông rộng suối dài: em mò cua, bắt cá
Nơi núi đồi trập trùng: cha nuôi rừng, chăn thú
Nơi đảo vắng vụng sâu: anh khoét giếng, dò dầu

Từ ao làng chú Tễu chu du khắp cả hoàn cầu
Cùng cái giỏ, cái nơm, cái chày, cái cối
Từ trong mớ bảy, mớ ba mẹ ra đình dự hội
Nay hoá vạt áo dài con tha thư­ớt dư­ới trời Tây

Như­ sen thơm từ bùn, như­ quả lớn từ cây
Như­ niêu cơm Thạch Sanh chứa bao phép lạ
Quê tôi đó, "Phồn thi" là thế đó
Phồn hoa thị thành em có cảm thơ tôi?

Phạm Công Trứ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét