Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh - CHƯƠNG 5: RA NGOÀI QUÂN ĐỘI


Lời dẫn của Lâm Khang: 
 
Xuân này, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa bước vào tuổi 100. Cụ là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ là một trong 3 ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa III hiện còn sống. Và hiện nay chỉ còn duy nhất cụ là tướng do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh phong. 
 
Nhân dịp mừng đại thọ Lão tướng 100 tuổi (kỳ di thọ khảo), được phép của Lão tướng, chúng tôi đăng tải Hồi ký "Kể lại cuộc đời" của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu. 
 

Chương V
RA NGOÀI QUÂN ĐỘI

Có lẽ do thấy tôi đã làm tốt công tác tổ chức trong quân đội, nên sau khi tôi được bầu vào Trung ương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã giới thiệu và tôi được quyết định làm phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, sau Lê Đức Thọ. Vì các đồng chí phó Ban khác như Phan Triêm, Vũ Oanh, Trương Quang Giao, Vũ Dương... đều chưa phải là Ủy viên Trung ương nên vô hình trung tôi trở thành “phó một”. Được phân công công tác mới nên cuối năm đó, tôi bàn giao công tác cũ và rời Quân khu Bốn trở về Hà Nội. Trên đường trở về nhà ở Hà Nội, tôi có rẽ qua quê ở Thanh Hoá. Lúc này ở quê, tất cả các vị cao niên bề trên như cha mẹ chú bác cô dì đều chẳng còn ai, chỉ còn cô An là em gái ruột của tôi đang sống nheo nhóc, nhà nghèo, con đông, chồng chết, vừa mới đi bước nữa nhưng ông chồng sau cũng nghèo... Muốn giúp đỡ cô em một tay, tôi đã quyết định đón cháu Dục (hơn tuổi con gái thứ ba của tôi) ra Hà Nội để nuôi cho ăn học. Sau cháu Dục không ở Hà Nội nữa, về quê với mẹ, tôi vẫn tiếp tục gửi tiền nuôi cháu đến khi nó đi làm công nhân. Cùng trong thời gian đó và cũng như chuyện nuôi cháu Dục, gia đình tôi còn phải giúp tiền để anh Thọ tôi nuôi hai trong bốn cháu con anh chị, vì lúc đó anh tôi mới ra Hà Nội làm công nhân, chị không có việc làm, thu nhập không đủ. Khi ở xa, ngoài việc lo chi tiêu những việc đáng kể cho gia đình, tôi gửi hai suất tiền cho nhà tôi chi dùng nuôi nấng hai đứa con trong số bốn đứa con chúng tôi và cũng số tiền hai suất như vậy được gửi cho anh Thọ nuôi các cháu.

Nhận công tác ở Ban Tổ chức Trưng ương, nhà tôi chuyển từ phố Lý Nam Đế là “phố nhà binh” lên ở một ngôi nhà khá to đẹp ở đầu dốc Ngọc Hà. Ở nhà đó với chúng tôi còn có một bộ sậu gồm gia đình các anh Vũ Oanh, Vũ Dương, Phan Triêm v.v... Cùng là cán bộ Ban tổ chức Trung ương. Nhà tôi được chia bốn buồng.

Một công việc của tôi ở Ban Tổ chức Trung ương là lên lớp huấn luyện cán bộ làm công tác tổ chức cho các ngành, các địa phương. Ngay trong các bài bản phải truyền đạt cho cán bộ trong các lớp huấn luyện cũng đã có những điều tôi thấy cấn cá, cần phải thảo luận bàn bạc để thống nhất lại. Tôi cũng có chính kiến riêng cần đóng góp trong một số văn bản của cơ quan về công tác chuyên môn nghiệp vụ và vấn đề tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Nhiều suy nghĩ quan điểm của tôi trái với ý kiến đồng chí Trưởng ban Lê Đức Thọ. Ví dụ: có một bản báo cáo về phân cấp quản lý cán bộ do Vũ Oanh dự thảo và Lê Đức Thọ đã thông qua, chuẩn bị đưa ra trình Bộ chính trị. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng dự, tôi cũng đọc và thấy nó còn có vấn đề. Được đồng chí Thanh cho phép, tôi đã phát biểu ý kiến của mình rằng bản báo cáo chưa phù hợp với với nguyên tắc Đảng quản lý và tập thể xem xét cán bộ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tán thành ý kiến của tôi nên đã đề nghị Bộ chính trị chưa thông qua vội, phải làm lại.

Lần khác, trong việc đề bạt cán bộ, tôi không đồng ý đưa một người cựu công chức lên cao quá, vì anh ta không có gì xuất sắc, không tiêu biểu cho thời điểm cách mạng nào hay ngành địa phương nào. Ông Lê Đức Thọ đã bực mình phát gắt lên với tôi và cứ đề bạt người đó.

Lại có lần Lê Đức Thọ đặt ra việc thi đua xem đơn vị nào kết nạp được nhiều Đảng viên, do đó sẽ kết nạp ồ ạt không chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn, tôi thì lại muốn chặt chẽ đủ tiêu chuẩn, không quá chú trọng số lượng, nhất là không tán thành đặt ra việc “thi đua kết nạp”. Sau này mới rõ trong công tác cán bộ, ông Lê Đức Thọ “nhiệm nhân duy thân” chứ không phải “nhiệm nhân duy hiền” (tức bổ nhiệm người thân tín của mình chứ không bổ nhiệm người có tài đức). Chuyện trọng dụng người thân, người cánh hẩu ngày càng rõ hơn, chưa kể ông ấy còn có tham vọng muốn làm Tổng bí thư nữa.

Vì mấy lần tôi có bất đồng với Lê Đức Thọ nên ông ấy đã đề nghị Trung ương điều tôi đi khỏi Ban Tổ chức Trung ương và đưa xuống địa phương làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá (thay đồng chí Ngô Thuyền được điều ra Hà Nội làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực. Đồng Chí Nguyễn Đức Tâm lại được điều trở về làm phó Ban Tổ chức Trưng ương, lúc trước chính ông Thọ đưa đi, nay lại điều quay lại). Như vậy tôi chỉ làm phó Ban Tổ chức Trung uơng được 6 tháng. Rời Hà Nội về Thanh Hoá, tôi coi đây là sự phân công của tổ chức nên giữ nguyên tắc là chỉ có phục tùng và khăn gói ra đi ngay. Tôi vào Thanh Hoá có một mình, để gia đình lại Hà Nội, bản thân tôi thì lại thực hiện “ăn cơm tập thể nằm gường cá nhân” như hồi làm Chính ủy Quân khu Bốn, vợ con ở Hà Nội thì hạ cấp tiêu chuẩn nhà ở, từ bốn phòng xuống còn một phòng.

Tôi về Thanh Hoá đang lúc tiến hành quá trình hợp tác hoá ở nông thôn nên cũng lấy đó làm trọng tâm công tác của mình. Nhiều lần xuống cơ sở họp với nông dân, thông báo 8 giờ thì 9 giờ bà con mới đến tàm tạm đủ. Ban thường vụ Tỉnh ủy lúc đó phần lớn là cán bộ nông dân, chẳng coi trọng khoa học nông nghiệp lắm, nhiều việc chẳng hỏi ý kiến Ty Nông nghiệp gì cả. Thậm chí ông Lương Đình Của vào Thanh Hoá, thường vụ cũng thờ ơ, chỉ có tôi đưa ông ấy xuống giúp nông dân làm kỹ thuật nông nghiệp. Khi bàn kế hoạch thì trong tỉnh ủy đa số chỉ cốt đề ra chỉ tiêu cao chứ chẳng dựa vào cơ sở khoa học nào và biện pháp gì. Bản thân tôi lúc đó chưa có kinh nghiệm, chưa qua thực tiện nên chưa nói gì được, chỉ thấy băn khoăn không biết chỉ tiêu cao như vậy có sát hợp không?

Thời gian làm bí thư Thanh Hoá, tôi có đồng chí Tứ phó Văn phòng là viết được nhưng mỗi khi cần thảo văn bản gì tôi vẫn phải nêu ra ý chính để đồng chí đó thể hiện, sau đó tôi xem lại. Lúc đó cũng có một đồng chí thư ký có chức danh hẳn hoi nhưng thực chất lại chỉ làm giáo viên văn hoá, dạy tôi hết chương trình cấp III, học vào các buổi tối. Vì đồng chí vốn là giáo viên cấp III chứ không phải người viết nên sau đó khi học xong chương trình tôi lại trả đồng chí về trường tiếp tục dạy học. Rồi điều thêm đồng chí Lê Thế Chữ về nhưng cũng không làm nổi việc viết văn bản văn kiện. Các việc cần viết tôi vẫn thường tự làm lấy.

Đầu năm 1961, Bác Hồ vào thăm Thanh Hoá, chúng tôi bố trí Bác nghỉ ở một phòng trong ngôi “nhà tầng” độc nhất của thị xã Thanh Hoá lúc đó mới xây để lấy nơi làm việc cho Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh. Buổi trưa hôm đó khi chưa đến giờ làm việc, Bác đi sang khu nhà ở của cán bộ tỉnh, mới có nhà cấp 4. Bác thấy nơi tôi ở và làm việc rất đơn sơ: một gường cá nhân, một tủ, một mắc áo, một bàn làm việc. Bên cạnh gian đó, có một bàn dài, hai dãy ghế hai bên để họp thường vụ. Bác không nói năng gì, đi ra ngồi dưới gốc cây bàng trước cửa phòng tôi, gọi đám trẻ con ở gần đấy đến. Thằng cu Dũng và con Hà nhà tôi cũng chạy đến Bác trong đám trẻ đó. Dũng bé nhất đám nhưng không chịu chạy chậm hơn các anh chị. Bác thấy thằng bé dễ thương mới hỏi nó con ai, một đồng chí bảo vệ của tỉnh uỷ nói nó con anh Vĩnh. Thế là Bác nhớ ra ngay: “À, thế ra là thằng cu Trung Dũng đây” (chả là khi nhà tôi được một mụn con trai sau khi đã có ba con gái, tôi mừng quá đem chuyện đó khoe với Bác, Bác bảo con trai phải trung thành, dũng cảm; nên đặt là Trung Dũng. Việc nhỏ đó mà Bác cũng không quên). Biết được thằng cháu Dũng là con trai tôi, Bác mới ôm nó vào lòng, cho chụp ảnh chung rồi Bác đi về chỗ nghỉ. Mọi người đoán là Bác đã hài lòng khi đi kiểm tra đột xuất nơi ở của tôi.

Chúng tôi đưa Bác đi thăm hợp tác xã Yên Trường thuộc huyện Yên Định, đồng bào xúm đông lại không còn lối mà đi. Bác họp với Ban quản trị, nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo, thăm hỏi động viên đồng bào rồi về; sau đó Tỉnh ủy triệu tập tất cả cán bộ phụ trách các xã trong toàn tỉnh về sân vận động để nghe Bác nói chuyện. Bác đứng trên bục cao để nói cho được rõ hơn vì cuộc họp rất đông người, tôi đứng bên cạnh tháp tùng. Nói chuyện xong Bác quay lại bảo tôi đánh nhịp cho đồng bào hát bài “Kết đoàn”. Thật là quá khó đối với tôi vì xưa nay tôi chẳng bao giờ biết hát một câu nào, ngay từ thời còn đi học tôi đã thường bị điểm “zero” (điểm không) về môn hát. Tôi lóng ngóng giơ tay lên, đang chưa biết làm thế nào thì Bác đã giang rộng hai tay, rất thành thạo “Hai ba”, bắt nhịp cho đồng bào hát bài Kết đoàn. Trên bàn tay phải Bác vẫn còn cặp điếu thuốc lá.

Thời gian đầu mới bắt tay làm Bí thư, tôi nghĩ: con người ngoài cái ăn cái mặc, còn cần phải có cuộc sống văn hoá tinh thần nữa, nên đã đề nghị và được tỉnh ủy chấp nhận việc xây nhà văn hóa Lam Sơn và sân vận động thị xã. hai công trình đó trước đây Thanh Hoá chưa hề có, vì vậy cán bộ và nhân dân thị xã Thanh Hoá rất hoan nghênh. Tôi cũng chú trọng việc giữ gìn phát huy vốn cổ văn hoá của Thanh Hoá nói riêng và vốn cổ dân tộc nói chung; rất coi trọng tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ của tỉnh, giúp đỡ tích cực xây dựng các đoàn nghệ thuật chèo, tuồng. Thời đó đoàn tuồng Thanh Quảng (kết nghĩa Thanh Hoá – Quảng Nam) của Thanh Hoá đã phát triển tốt, trở thành một đoàn tuồng có “máu mặt” trong làng tuồng cổ miền Bắc (nước ta lúc đó còn bị chia cắt Bắc - Nam), khá nhiều nhân tài... (Đáng tiếc sau này khi tôi đi khỏi Thanh Hoá, người kế nhiệm không mấy chú trọng văn hoá nên đã để đoàn tuồng Thanh Quảng dần dần mai một).

Bắt tay xây dựng cơ bản một tỉnh đất rộng, người đông nhưng đang rất nghèo nàn lạc hậu như tỉnh Thanh Hoá là một việc quá lớn và cũng có phần quá sức của tôi lúc đó. Chưa bao giờ được học về quản lý kinh tế, chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản lý địa phương lại vấp phải một dàn cán bộ cũ của tỉnh mang nặng tác phong nếp nghĩ nông dân gia trưởng và có người còn kém hơn cả mình về đường học hành (lại còn không chịu tự học nữa)... Tôi thật sự thấy lúng túng, khó khăn. Với tấm lòng chân thành tha thiết muốn gắn bó xây dựng quê hương, tôi cũng hăng hái đi xem xét các địa phương trong tỉnh để nắm bắt các vấn đề, nhất là về nông nghiệp, những lúc mưa bão thiên tai xảy ra ở đâu tôi cùng xông pha đến ngay, dù đang lúc nửa đêm. Trong đầu óc tôi luôn trăn trở về các việc như làm thuỷ lợi ra sao để thuỷ lợi không thành thuỷ hại; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở quy mô nào thích hợp để vừa sức với trình độ quản lý của cán bộ nông thôn lúc đó và để phát huy tính tích cực cần cù của người nông dân, không để “người chăm chỉ nuôi người lười biếng”... Và còn nhiều trăn trở làm sao để Thanh Hoá vững vàng đi lên con đường giầu mạnh. Qua một giai đoạn thực tiễn ngắn ngủi, tôi đã bắt đầu nhen nhóm một số ý định, một số suy nghĩ riêng định để khi chín mùi sẽ có dịp đưa vào thực hiện. Tuy nhiên lúc đó tôi cứ thấy mình như bị kẹt giữa hai sức ép: một phía là những chủ trương định hướng nguyên tắc từ trên dội xuống buộc phải thực hiện, một phía là những người cùng làm việc với mình, nhiều người “do lịch sử để lại”, mang nặng tính chủ quan bảo thủ, duy cảm, duy ý chí và lại có phần trì trệ. Bản thân mình lúc đó cũng còn nhiều nhược điểm và cũng bị hạn chế về tầm nhìn, song ít ra cũng còn biết độc lập suy nghĩ (coi trọng hiệu quả công việc), không phải lúc nào cũng chạy theo thành tích, chạy theo phong trào. Lúc dó tôi cũng đã mang máng nhận ra cái ý định đưa hợp tác xã cấp thấp nhanh chóng tiến lên cấp cao và nhanh chóng mở rộng quy mô hợp tác lên toàn xã là có gì đó quá nóng, quá nhanh, chưa phù hợp. Nhưng tự mình cũng chưa có dịp đi sâu nghiên cứu thu thập tư liệu phân tích để kết luận vấn đề cho chắc. Vả lại nếu có phân tích kết luận được vấn đề rồi, chắc lúc đó cũng chẳng trình bày được với ai, mà cũng chẳng ai chịu chấp nhận ý kiến của mình. Lúc đó ngay cả trên Trung ương cũng còn mơ mộng đất nước ta “tiến lên như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ” kia mà. Hơn nữa, có đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã tổ chức phá rào “khoán chui” cho nông dân sau tôi hàng chục năm mà vẫn còn bị Trung ương kỷ luật đó thôi?

Mãi sau này khi đã có bao nhiêu thực tiễn bác bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, lại có sự xem xét phân tích sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm của Tổng bí thư Trường Chinh để dẫn đến “đổi mới tư duy” thì mọi việc mới thoáng ra và tôi cũng nghiệm thấy sự cảm nhận mơ hồ của mình ngày xưa cũng không phải không có cơ sở.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm đau xót trong quãng đời làm Bí thư tỉnh ủy. Đó là vào khoảng năm 1963 – 1964, Thanh Hoá thường bị lụt lội, nhất là các vùng Nông Cống, Tĩnh Gia, Nam Đông Sơn. Những lần mưa bão, tôi đều đi đến tận nơi nắm tình hình và trực tiếp giải quyết. Thực ra lúc đo ở cấp tỉnh, nhân tài vật lực không được tự chủ như bây giờ và việc sản xuất lưu thông phân phối còn bị trói buộc bởi cơ chế quan liêu bao cấp nên năng suất kém, thu nhập thấp, lực lượng dự trữ của tỉnh rất mỏng nên có lúc đi đến nơi, thấy được địa phương có khó khăn thực sự đấy nhưng việc giải quyết còn hạn chế. Năm đó ở Nam Quảng Xương mất mùa nặng quá, đồng bào đứt bữa, phải đi kiếm rau dại mà ăn. Tỉnh biết rõ quá nhưng không có gì để cứu trợ, bản thân lại lúng túng không dám kêu Trung ương giúp vì sợ làm khó cho Trung ứơng. Mãi đến khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh về Thanh Hoá kiểm tra, thấy dân đói quá, đã lên Trung ương đề nghị trợ cấp cho Thanh Hoá một ngàn tấn gạo mới giải quyết được nạn đói của dân Nam Quảng Xương, để dân lấy sức sản xuất tiếp vụ sau. Tôi rất ân hạn về sự việc đó, thấy rõ cả trách nhiệm và phương pháp giải quyết vấn đề của mình đều chưa tốt. Có dịp, tôi đã nói với đồng chí Nguyễn Chí Thanh tâm sự của mình, nhận khuyết điểm và ngỏ ý đề nghị Trung ương tìm người có năng lực bản lĩnh hơn đưa về Thanh Hoá xây dựng tỉnh tổ chức, thuyết phục sốc lại đội ngũ cán bộ sao cho đoàn kết, năng động và làm việc có hiệu quả hơn. 

Hết chương V

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét