Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

ĐỪNG BIẾN CHÙA CHIỀN THÀNH NƠI KHOE THÂN


Phạm Hồ
Báo Người Lao Động
06/03/2015 12:06
(NLĐO) - Tôn trọng nơi tôn nghiêm là văn hóa vỡ lòng mà ai cũng được nhắc nhở từ bé. Không chỉ nơi tôn nghiêm mà ngay cả những nơi công cộng, ăn mặc hở hang, khoe thân cũng bị lên án

“Hết chỗ khoe thân hay sao mà phải ăn mặc hở hang đến lễ hội”, “Nếu thành kính thì phải biết cân nhắc khi đến chùa, còn ham vui thì thôi đừng đến”, “Nơi tôn nghiêm chứ không phải quán bar, công viên mà đến phô bày thân thể”... Đây là một số trong hằng trăm ý kiến của bạn đọc bức xúc khi thông tin nhiều phụ nữ ăn mặc hở hang đến lễ hội chùa Bà (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được đăng trên Báo Người Lao Động ngày 7-3.


Hàng vạn người đổ xô đến lễ hội chùa Bà. Ảnh: NHƯ PHÚ

Câu chuyện phản cảm này đã diễn ra từ lâu và có thể nói xuất hiện trên khắp cả nước. Không hiểu sao nhiều người khi đến những nơi tôn nghiêm như đền, chùa, di tích lịch sử mà cứ thoải mái như đi picnic. Nhiều cô gái mặc áo hở ngực, váy ngắn cũn cỡn nhưng vẫn vô tư bước vào đền chùa vái lạy. “Nào phải những người trẻ tuổi, nhiều người lớn tuổi cũng rất “hồn nhiên” khoe đủ vòng khi vào đền, chùa. Tay cầm nhang, vẻ mặt thành kính, nhưng ôi thôi thần phật nào chứng giám nổi cách ăn mặc phản cảm như thế” - bạn đọc Tấn Lộc, bày tỏ.


“Tôi nhớ ngày xưa khi mẹ tôi đi chùa, bà thường chuẩn bị rất kỹ. Ngày hôm trước bà đã thắp nhang trên bàn thờ ở nhà. Sáng hôm sau bà mua ít lễ vật, một bó nhang và mặc một chiếc áo dài màu sắc nhẹ nhàng đến chùa. Bà thường khuyên không nên đến chùa với những màu áo quần sặc sỡ. Còn ngày nay, mấy đứa cháu cứ quần đùi, áo cánh đi chơi cả ngày ở công viên xong thì rủ nhau vào chùa chơi tiếp. Với chúng nó, đi chùa, đền cũng là một cuộc vui chứ không phải vì lòng thành kính” - bạn đọc Văn Hòa, kể thêm.
.
Cứ vô tư váy ngắn đến lễ hội. Ảnh: NHƯ PHÚ

Ăn mặc hở hang là một chuyện, nhiều bạn trẻ còn vô tư âu yếm nhau tại các nơi tôn nghiêm. Ngay Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nằm cạnh Thảo Cầm Viên, hằng ngày chúng ta thấy không ít các đôi tình nhân ôm nhau thắm thiết ở các hành lang của bảo tàng. Bạn đọc Thanh Ân, nói thẳng: “Nhiều cô gái đi chùa mà như đi quán bar, nhiều thanh niên choai choai thì quần jean xệ, áo phanh ngực. Tôi không hiểu họ có cảm giác gì khi ăn mặc như thế mà đứng cầu nguyện trước Phật, Bồ tát, thánh thần... Họ muốn thể hiện gì trước các Ngài? Những bảng lưu ý nhắc nhở mọi người ăn mặc lịch sự kín đáo khi vào chỗ thiêng liêng hình như “miễn nhiễm” với những người này”.

.
Đến lễ hội chùa Bà như đi picnic. Ảnh: NHƯ PHÚ

Tôn trọng nơi tôn nghiêm là văn hóa vỡ lòng mà ai cũng được nhắc nhở từ bé. Không chỉ nơi tôn nghiêm mà ngay cả những nơi công cộng cũng đòi hỏi mọi người ứng xử đúng mực, tôn trọng mọi người xung quanh. Cách ứng xử này thể hiện văn hóa của từng cá nhân. Ngay cả thần thánh mà họ không tôn trọng thì thử hỏi làm sao họ tìm được sự tôn trọng của người khác.

Phạm Hồ

3 nhận xét :

  1. Tựa đề bài báo viết sai rồi.
    Phải là
    Đừng khoe thân nơi chùa chiền.

    Trả lờiXóa
  2. Ở thủ đô Pnom Penh của CPC, du khách muốn viếng hoàng cung phải ăn mặc đứng đắn đàng hoàng . Phụ nữ phải mắc áo có tay, váy phải quá gối, nam cũng không được mắc quần soọc áo thung . Tất cả những ai không chấp hành theo qui định đều bị ngăn lại từ bên ngoài không được bước qua cổng vào khu vực hoàng cung .
    Ở VN không lẽ ý thức tự trọng khi đến những nơi tôn nghiêm lại kém đến thế sao ?

    Trả lờiXóa
  3. Cảnh bà Phó Doan đi lễ và thắp nhang tại đền Vua Hùng thì sao ?

    Trả lờiXóa