Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

KHÓ LẬT LẠI HỒ SƠ ĐỐI XỬ HẬU 30/4 ?

Khó lật lại hồ sơ đối xử hậu 30/4?
BBC
24-04-2015


Nhà nước Việt Nam nhiều lần cho rằng các học viên học tập ở các trại cải tạo sau 30/4/1975 đều được đối xử tốt đẹp, nhân đạo.

Việc điều tra các cáo buộc về ngược đãi ‘tù cải tạo’ hậu 30/4/1975 tại Việt Nam do bên thắng cuộc tiến hành với bên thua cuộc ‘là khó’, theo một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam từ Hà Nội.

Ý kiến trên được đưa ra tại Bàn tròn với chủ đề ‘Có ngược đãi hay không hậu 30/4?’ của BBC hôm 23/4, nhân đánh dấu bốn thập niên cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.


Tuy nhiên, cũng tại bàn tròn này, ý kiến phản biện cho rằng ‘không có gì là khó’ để lật lại vụ việc và tiến hành điều tra tìm hiểu sự thực và truy cứu trách nhiệm.

Hôm thứ Năm, BBC đặt câu hỏi sau 40 năm, liệu nhà nước có nên mở hay không các cuộc điều tra trước các cáo buộc của tù nhân cải tạo và thân nhân về việc họ bị ngược đãi trong thời gian đi cải tạo sau 30/4, và nếu phát hiện có ngược đãi, thì cần xử lý ra sao.

Từ Hà Nội, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nguyên chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói:

“Tôi nghĩ bây giờ tìm lại những bằng chứng để có những việc tìm lại những việc đó cũng hơi khó và tôi cho rằng dần dần pháp luật quy định lại thì có thể những điều nào vô pháp luật quá, sẽ tìm và có bằng chứng rõ ràng thì người ta cũng sẽ tìm.

“Người ta cũng sẽ giải quyết, nhưng mà bây giờ thành một chính sách riêng, bản thân tôi nghĩ là hơi khó vì nó cũng lâu lắm,” nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói.

‘Không có gì khó’

.
Ý kiến phản biện cho rằng sự kiện 30/4 mới diễn ra trong vòng bốn thập niên và hoàn toàn có thể hồi cứu chứng cứ, tìm sự thật.

Phản biện lại ý kiến này tại Bàn tròn, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, người mà từ năm 2010 đã gửi Quốc hội Việt Nam kiến nghị ‘đòi trả tự do cho tất cả’ tù nhân cựu quân nhân và viên chức Việt Nam Cộng Hòa mà ông tin là vẫn còn bị giam giữ khi đó, nói:

“Tôi nghĩ rằng không có gì là khó cả, lịch sử Việt Nam có khi đến hàng nghìn năm còn tiếp tục khai quật các di chỉ, còn tìm để đưa ra những chứng cứ để chứng minh lịch sử lúc ấy đã diễn ra như thế nào.

“Huống chi là sự việc ấy mới xảy ra cách đây 40 năm, 30 năm, 20 năm, tùy theo thời gian mà có những người Việt Nam Cộng Hòa bị tù ở trong các trại tập trung như thế.

“Bây giờ nhìn chung cho dân tộc Việt Nam, chúng ta muốn hàn gắn những vết thương chiến tranh, thì có những sự thật nghiệt ngã đến đâu, chúng ta cũng phải điều tra và có những trả lời một cách đích đáng.”

‘Phải đưa bằng chứng’

.
Ngay sau ngày 30/4/1975, Chính quyền mới tiếp quản Sài Gòn đã yêu cầu các thành phần cựu binh sỹ, quan chức, nhân viên chế độ cũ ra trình diện.

Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đặt vấn đề về trách nhiệm nhà nước điều tra sự thực, ông nói:

“Thế thì về phía chính quyền cộng sản Việt Nam phải đưa ra những bằng chứng, bởi vì hiện nay nhà nước Việt Nam về mặt chính thức mà nói, tự nói đó là một nhà nước pháp quyền, Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng khẳng định đấy là một nhà nước pháp quyền.

“Mà pháp quyền thì phải làm dựa trên pháp luật, những cái nghi vấn, những cái được coi là tội ác ở trong lịch sử, mà chính quyền phạm phải, theo sự tố cáo, thì cũng phải làm rõ ra, có tội ác đó hay không.

“Còn quan điểm riêng của tôi việc tập trung cải tạo hàng trăm nghìn cựu sỹ quan, cựu viên chức Việt Nam Cộng Hòa vào các trại tập trung cải tạo đó là môt tội ác, bởi vì về nguyên tắc, con người được sinh ra phải được bình đẳng.

“Sau khi chiến tranh kết thúc, tức là không còn sự xung đột nữa, thì không thể có trả thù. Còn nếu ai phạm tội, thì phải đưa ra xử theo pháp luật, dù pháp luật đó là thế nào và phải có bản án.

“Chứ còn chuyện mà cứ đưa đi mà không có một bản án, kéo dài hết năm này, hết năm kia, thậm chí rất nhiều người mất mạng có thể do việc bị xử bắn, hoặc do chuyện rừng thiêng nước độc, hoặc do ăn đói kém, thì những chuyện đấy tôi cho là tội ác.

“Còn cuộc sống chung của đất nước khó khăn, thì nó là một chuyện khác, không thể đồng nhất việc những người dân ở những giai đoạn sau năm 1975 đến 1980 hay sau đó đói kém, tất nhiên cái đấy cũng là tội của chế độ xã hội chủ nghĩa đã làm xụp đổ kinh tế, phá hoại kinh tế, cho nên mới dẫn đến sự đói kém đó.

“Nhưng không thể đồng nhất chuyện ở chung quanh mà người dân đói kém, mà đồng nhất với sự đói kém của những người cựu sỹ quan, hoặc cựu viên chức Việt Nam Cộng hòa bị tập trung cải tạo,” Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nói với BBC từ Washington DC., Hoa Kỳ.

.
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự từ Hà Nội nói hiện khó có thể có chính sách riêng hồi cứu về các trường hợp được cho là bị ‘ngược đãi’ vì ‘thời gian đã quá lâu rồi’.

Cũng hôm 23/4/1975, nữ nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi, người từng tham gia đóng trong nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước và sau 1975, nói với Bàn tròn:

“Cái việc hai bên đánh nhau thì đó là chuyện đã rồi rồi, tôi không nói lại nữa…

“Nhưng mà tôi thấy rằng là tôi không thể nào đồng tình với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Việt Nam, cách cư xử.

“Khi đã gọi mình là người chiến thắng rồi, thế mà lại vào rồi bắt người ta đi.

“Gọi là đi học tập, thế rồi sau đó thì lại bỏ tù, có người tới mười mấy năm luôn, có người chết ở trong tù.

“Rất nhiều cảnh bi thương, thì điều đó chính là đã làm cho tôi rất là đau đớn và phẫn uất.

“Tôi không đồng tình với chuyện đó.

“Cho nên nói gì thì nói, tôi cũng nói là chỉ có cộng sản mới cư xử tàn bạo như thế thôi, đó là theo cái suy nghĩ của tôi như thế,” bà Kim Chi nói với BBC từ Việt Nam.

‘Sự thật vì tương lai’

.
Cựu sỹ quan dù từ Hoa Kỳ cho rằng cần nhìn nhận sự thật hậu 30/4 
để cùng xây dựng tương lai tốt hơn.

Chia sẻ ở cuối cuộc Tọa đàm của BBC từ San Diego, California, ông Nguyễn Quý, nguyên Đại úy Sư đoàn Nhảy Dù, quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người trải qua 8 năm tù cải tạo và sang Mỹ định cư theo diện HO, nói:

“Thông điệp mà nhà nước kêu là hòa hợp, hòa giải dân tộc, thực sự quả banh đang nằm ở trong chân của người cầm quyền cộng sản.

“Chúng tôi không có khả năng gì để kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc với chúng tôi.

“Quý vị hãy thể hiện sự hòa hợp, hòa giải dân tộc đó thứ nhất với 90 triệu người dân ở trong nước.

“Làm sao họ có dân chủ, nhân quyền, có cuộc sống được nâng lên.

“Chúng tôi không phải nói lên sự thật để chúng tôi căm thù, hạch sách gì.

“Nhưng mình phải nhìn nhận sự thật để mình cùng xây dựng một đất nước cho tương lai tốt hơn,” ông Nguyễn Quý nói với Tọa đàm của BBC nhân tròn bốn thập niên sự kiện 30/4.

Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm của BBC tại đây.

.

4 nhận xét :

  1. Chẳng phải khi không mà dân gian có câu "Nói láo như vẹm"
    Tội ác rành rành, cho đến giờ còn để lại dấu vết hằn sâu trong tâm khảm những người sĩ quan VNCH và gia đình họ. Nếu được đối xử tử tế thì sao đến bây giờ già rồi họ vẫn còn hận thù sâu nặng đến thế ??? Hỏi là trả lời !

    Trả lờiXóa
  2. Chưa cần nói đến việc chính quyền Đảng CS có ngược đãi quân nhân và nhân viên làm việc cho chính thể VNCH hay không. Nhưng chỉ riêng việc con em của những gia đình này bị áp đặt lý lịch ngụy quân, ngụy quyền để tước đoạt, ngăn chặng quyền được tự do học hành, làm việc và cư trú cũng đã có thể bị xem là hành động trả thù hèn hạ đáng bị lên án của chính quyền Đảng CS rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Những trại tù được ngụy trang dưới mỹ danh "trại cải tạo" ở khắp mọi miền đất nước thực ra chẳng những là những trại tập trung lao động khổ sai mà còn là nơi nhắm hạ nhục người tù, người tù bị đối xử như một con vật và bị lột truồng khỏi cái vỏ con người để muốn tồn tại thì chỉ có thể sống với bản năng giống y như con vật.
    Nếu các bạn đã đọc "Một ngày của Ivan Denisovich" (văn hào Aleksandr Solzenisyn) thì thấy anh chàng Ivan này còn sung sướng gấp triệu lần hơn một tù cải tạo ở Việt Nam. Bây giờ những ngày kinh khiếp ấy đã qua mà mỗi lần nghĩ lại vẫn còn rùng mình, nhiều đêm vẫn thấy ác mộng bị bỏ đói triền miên, bị xỉ nhục từng ngày từng giờ bởi cán bộ quản giáo và bởi các bộ đội dẫn và canh giữ trong khi lao động...
    Đây là lý do tại sao sau khi được thả, tuyệt đại đa số đều tìm cách vượt biên, dù phải tốn rất nhiều vàng và biết sẽ chết trên biển hoặc thê thảm ra sao nếu bị bắt lại. Số cực lớn khi ra khỏi tù không có tiền đành bó tay ở lại, chịu sự hành hạ và sỉ nhục bởi công an khu vực (có khi bị sỉ nhục nhiều lần hơn trong tù) và bởi chính quyền địa phương nên khi có chương trình HO là họ mừng rỡ ra đi như được sinh lần thứ hai.
    Đây là một vết thương dân tộc từ ngày lập quốc chưa từng có. Không một chế độ nào kể cả chế độ thực dân Pháp lại có cảnh đầy đọa một thành phần dân tộc, với con số kinh khiếp đến 200.000 người trong thời gian dài như vậy. Thực chất của cái gọi là "trại cải tạo" chỉ là chính sách trả thù, hành hạ người, sỉ nhục và đầy con người xuống hàng con vật!

    Trả lờiXóa
  4. Không khó nếu muốnlúc 20:07 25 tháng 4, 2015

    Đến những tội ác từ thời CCRĐ mà nỗi đau trong tôi còn chưa thể nguôi ngoai, huống chi những sự việc mới vừa diễn ra như mới chỉ hôm qua, bản thân họ vẫn còn sống, con họ, cháu họ sờ sờ ra đấy. Quan trọng là những người cộng sản biết trung thực, cầu thị và công bằng.

    Trả lờiXóa