Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Kỳ Duyên: BIKINI RÁCH VÀ HỘI CHỨNG "CHƯA TRƯỞNG THÀNH"

Bikini rách và hội chứng 'chưa trưởng thành' 

Kỳ Duyên
VietNamNet
VNN 25.4.2015 - Hình ảnh hàng nghìn tấn gạo cứu đói cho dân, bên cạnh những trung tâm hành chính tập trung  hoành tráng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng mà những quan chức – những “công bộc của dân” cũng chưa… trưởng thành nốt!
Một tuần chưa qua, dư âm câu chuyện “tắm miễn phí” ở Công viên nước Hồ Tây, ngày 19/4 mới đây vẫn nóng bỏng trên báo chí, trên các trang mạng XH với tất cả cách nhìn, mổ xẻ đa chiều khác nhau. Chỉ sự giống nhau đọng lại sâu sắc trong cảm nhận của số đông bạn đọc, là nỗi hổ thẹn, lẫn bất bình của người Việt trước những hình ảnh quá ư phản cảm.


Những hình ảnh người Việt không muốn nhìn lại
Tắm miễn phí “có văn hóa”?
Những cô gái trẻ mặc váy, mặc bikini hăng hái trèo qua hàng rào sắt lộ cả nội y, bất chấp cả thể diện “con gái” trước con mắt số đông đang ngước nhìn. Khiến người viết bài phải tự hỏi- chả lẽ cái giá tắm miễn phí nó lớn đến thế?

Một ông bố trẻ hăng hái bế đứa con thơ trèo qua hàng rào sắt nhọn hoắt, khiến người ngoài thót tim. Chỉ vô ý, hàng rào sắt nhọn hoắt đó cũng đủ gây thương tích cho em bé. Một ông bố bồng bột, nông nổi kỳ lạ.
Nhưng nhất là hình ảnh một cô gái với bikini rách te tua trước cái nhìn thô thiển và cười đùa dung tục, khả ố của đám thanh niên cởi trần. Cái giá “miễn phí” hóa ra, nó không rẻ, bởi nó có thể làm tổn thương thân xác bất cứ cô gái nhẹ dạ nào.
Ngay lập tức những hình ảnh đó đi vào clip âm nhạc tự chế có nhan đề “Bài ca leo rào” của Hiếu Orion- một chàng trai chơi guitar- đăng tải lên Youtube:Một chị váy rộng thênh thang vẫn hiên ngang leo lên tít tận trên rào... Anh bế thằng con anh vẫn leo rất nhanh. Em ơi, anh phải trèo lên rào, vì ở đây đang cho bơi khuyến mãi không mất tiền...".
Bỗng thấy nửa muốn cười, nửa muốn khóc cho sự ham hố “miễn phí”.
Bởi đây không phải là lần đầu tiên cả XH được chứng kiến những ảnh hình kinh hoàng, chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng, một khi các dịch vụ mang tên miễn phí vẫn tiếp tục tung ra để PR, quảng cáo cho sản phẩm của các cơ sở kinh doanh. Thách thức… chất bản năng của người Việt.
Người ta lập tức nhớ tới không ít lần những dịch vụ miễn phí, khiến người Việt bỗng như “lên đồng”, trong cơn mê này/ gọi mãi miễn phí ơi (xin lỗi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
Đó có thể là một ngày hội sushi miễn phí tại một cửa hàng, làm tắc nghẽn cả giao thông đường phố vì sự hỗn loạn ăn.
bikini, công viên nước, hỗn loạn, văn hóa
Những ông bố, bà mẹ 'nổi tiếng' nhất tuần qua. Ảnh: Zing
Đó có thể là một ngày hội uống bia miễn phí khiến cho người Việt chen lấn khủng khiếp vì cái sự hỗn loạn uống.
Đó có thể là một ngày hội phát 3000 chiếc áo mưa miễn phí của một sứ quán nước bạn, đã khiến người Việt trở nên như “cướp” vì cái sự hỗn loạn mặc, khiến sứ quán bạn kinh ngạc, hoảng sợ. Tiếc thay, cái sự mặc đó đã không che nổi hành vi hoang dã ở ngay Hà Nội ngàn năm văn vật.
Ăn, uống, mặc, là những chuyện sinh hoạt hàng ngày, nhưng liệu nó có thể trở thành phản cảm đến vậy với người Việt? Nếu biết rằng, đời sống người Việt ở các đô thị lớn sung túc hơn rất nhiều đời sống của đồng bào những vùng xa xôi hẻo lánh còn cần trợ giúp gạo của nhà nước? Hay chính ở những hoàn cảnh sung túc như vậy, nó mới cho XH biết người Việt ở các đô thị… cực nghèo về văn hóa, tuy no đủ ăn ngon mặc đẹp, xe hơi, nhà lầu nhan nhản.
Mà cũng chả cần có miễn phí hay không, người Việt sẵn sàng “cướp không” khi cần. Cho dù cướp xong lại vất đi, vì chẳng biết để làm gì? Đó là những hành vi tham một cách bản năng đã ám ảnh XH một thời ở Hội hoa xuân Tết âm lịch năm nào, biến lễ hội trang trọng, thiêng liêng trước thềm năm mới thành hội “cướp hoa”.
bikini, công viên nước, hỗn loạn, văn hóa
Chen chúc ăn sushi miễn phí 'Người VN như thế là bình thường!' Ảnh: VNE
Và nay lại đến tắm miễn phí!
Những người nước ngoài đang ở VN cũng phải bình luận, mà mỗi bình luận của họ khiến người Việt có văn hóa thấy ê chề.
Ryosuke Fujii (Nhật bản): Người VN như thế là bình thường!
Blonde Thảo Nguyễn (người Việt gốc Hàn Quốc): Tôi mong các bạn hãy trưởng thành hơn nữa, đừng làm xấu mặt đàn ông Việt!
Xomchit Rorward (mang 02 dòng máu Việt – Lào): Mình cảm thấy buồn, sững sờ và thấy phản cảm, nhất là hình ảnh cô gái trẻ, bị nhiều nam thanh niên quây trêu chọc, hò reo, sàm sỡ đến khi cô ấy bị rách bộ bikini (Đất Việt, ngày 21/4)
Đúng là hành vi của những kẻ chưa trưởng thành “đội lốt” đàn ông.
Có rất nhiều bài báo của các chuyên gia tâm lý, XH học mổ xẻ hiện tượng “tắm miễn phí” dưới góc độ chuyên môn của họ, xem ra nguyên nhân nào cũng rất đúng.
Điều đầu tiên chính là các điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất vui chơi, giải trí của HN quá thiếu. Đây là nguyên nhân lớn nhất, rất quan trọng.
Bởi quả thực HN rất thiếu chỗ vui chơi, nghỉ ngơi cho người Việt trẻ. Cho dù là Thủ đô to nhất nhì thế giới, với số dân 7-8 triệu, nhưng những địa danh vui chơi, giải trí đến nay có lẽ vẫn còn đếm trên đầu ngón tay? Hay bởi người Việt quen làm việc “có văn hóa” kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, nên không cần chỗ chơi? Để cuối cùng, làm cũng chả ra làm, chơi cũng chả ra chơi?
Nhưng nếu cứ vin vào sự thiếu thốn cơ sở vật chất, thì lý giải sao, hiện tượng chỉ là cơm sushi miễn phí, bia miễn phí, áo mưa miễn phí, chẳng cần gì nhiều đến hạ tầng cơ sở vật chất, cũng có thể gây nên những “dư chấn” lớn cho XH?
Do đó, cần đi tìm ở những đặc tính khác, mang tính XH và cá nhân nằm ẩn sâu trong mỗi con người Việt. Những đặc tính đó, chỉ cần có cơ hội, nó sẽ bột phát. Cho dù người Việt cũng không thiếu những đức tính tốt. Và cho dù ở đâu cũng vẫn có những người Việt tử tế, có văn hóa và tự trọng trước cộng đồng.
Đặc tính đó là gì? Phải chăng XH ta dù phát triển hơn, lượng vật chất cao hơn trước, nhưng vẫn mang đặc tính một XH “văn minh lúa nước”, với tư duy tiểu nông, tư hữu đậm đặc của  người Việt sản xuất nhỏ. Tư duy đó, ở một góc độ khác còn là sự tham lam, vơ vét, nhặt nhạnh, ham lợi nhỏ trước mắt. Và khi số đông cùng ham cái lợi trước mắt, thì nó rất dễ dàng trở thành bột phát, mang tính “bầy đàn”.
Đặt những đặc tính hạn chế đó trong bối cảnh môi trường sống, những thang bậc giá trị về văn hóa - đạo lý đã bị giẫm đạp bởi sự tham lam của một bộ phận người Việt ham hố quyền chức, biến thành những hiện tượng tiêu cực phổ biến- tham nhũng, dẫn đến sự mất niềm tin, coi thường mọi giá trị liêm sỉ, giá trị làm người.
Và đặt trong bối cảnh giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường đều quá buông lỏng việc dạy người Việt trẻ kỹ năng sống, kỹ năng hành xử văn hóa nơi công cộng. Thì cộng với sự thiếu thốn triền miên nơi vui chơi giải trí, sẽ ra hình ảnh người Việt… phản cảm, trong thời hội nhập hiện đại- thời của các quốc gia coi những giá trị văn minh, văn hóa là một tiêu chí đẳng cấp.
Đến nỗi, đã có ai đó than trên mặt báo, xin đừng có dịch vụ miễn phí  nữa. Bởi nếu không, lập tức người Việt sẽ phát… “miễn phí” ngay cho XH những hình ảnh phản cảm, phản chiếu sự tham vặt, nhặt nhạnh, mà những giá trị văn minh, văn hóa chưa đủ sức chi phối và điều chỉnh.
bikini, công viên nước, hỗn loạn, văn hóa
Các thanh niên nổi tiếng trên mọi diễn đàn về 'vụ công viên nước'. Ảnh: Zing
Gạo cứu đói và trụ sở hoành tráng
Cứ tưởng hiện tượng bikini rách chỉ là chuyện nhất thời của cô gái không may nào đó. Nhưng hóa ra, cái hội chứng “đường cong mềm mại” này nó lại rất phổ biến ở nhiều tỉnh đang có phong trào đua nhau xây trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT). Mà cái “hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT), thực chất là đổi đất lấy công trình, một hình thức lấy tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân- cũng đang bị …“rách” một cách khôn khéo, và rất được các tỉnh ưa dùng.
Mặc dù trước đó, CP đã chỉ đạo không dùng tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để xây trụ sở một cách không cần thiết trong điều kiện đang cần cắt giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhưng nếu như các địa phương rất chuộng “mốt” thời thượng BT, thì ngược lại ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý rất đáng chú ý.
TS Phạm Sanh, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng,  dùng chữ BT thực ra chỉ là một hình thức để lập lờ và nó thiếu sự minh bạch. Nghị định 15 của CP ban hành chỉ cho phép đổi lại đất, điều này phải tuân theo pháp luật về đất đai hoặc đấu thầu. Có nghĩa, trong đấu thầu cũng phải có đấu giá đất chứ không phải chỉ định thầu. Việc xây dựng TTHCTT dường như đã trở thành phong trào. Địa phương nào cũng vì lợi ích nhóm của họ hoặc lợi ích riêng của một tập thể nào đó mà xây dựng. Điều này cần tỉnh táo và cần có sự cảnh báo lại từ phía CP, QH để ngăn chặn. (Đất Việt, ngày 16/4)
Trước đó, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó CT Tổng hội Xây dựng VN, nguyên Thứ trưởng Bộ XD thẳng thắn: Chính quyền lấy gì mà trả, đành phải gán đất, tức đổi đất lấy trụ sở nhưng dùng từ rất đẹp là BT. Nói bán đất, tại sao không đấu giá lấy tiền? Có đấu giá thì mới cạnh tranh, như vậy mới thực sự minh bạch. Ông Phạm Sỹ Liêm còn cho rằng, hình thức hợp đồng BT thiếu sự cạnh tranh nhưng lại hay được sử dụng dưới danh nghĩa ngân sách không đủ tiền. Trên thực tế, Nhà nước vẫn phải trả tiền, trong trường hợp này là trả bằng đất (Đất Việt, ngày 14/4).
Thế nhưng đến thời điểm này, được biết Khánh Hòa, Hải Dương đều đã được chấp nhận xây dựng TTHCTT theo hình thức BT. Trước đó, theo báo Nguoiduatin, ngày 15/4, tính đến cuối  năm 2014, cả nước đã có 14 TTHCTT được xây dựng, với giá hàng ngàn tỷ đồng/ mỗi trung tâm.
Cứ đà này, theo tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy, sắp tới sẽ có bao nhiều tỉnh xây TTHCTT theo kiểu BT? Mặc dù có nhiều tỉnh, trụ sở các ban, ngành mới xây dựng cách đây vài năm, nhưng nay, cũng rục rịch muốn xây TTHCTT. Ai đó đã có một sự tổng kết chua chát, nhưng cứ như là đi guốc trong bụng nhau: Muốn có ăn, phải đẻ ra dự án.
Bằng cách đua nhau xây TTHCTT theo hình thức BT, không ít tỉnh đang góp phần cho ra đời thành ngữ mới: Treo đầu BT, bán đất?
Thật ra, xu hướng xây dựng TTHCTT là một xu hướng hiện đại, thể hiện vị thế các cơ quan đầu não của mỗi tỉnh, nhất là trong hành trình hội nhập. Và ở góc độ nào đó, cũng là tiết kiệm diện tích đất, chi phí xây dựng không manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Tuy nhiên, nếu quá chạy theo xu hướng hiện đại, phô trương, mang tính cạnh tranh hình thức, mà cách tổ chức triển khai dự án không minh bạch, rút cục, “hoa hồng” sẽ nảy nở ngay trên sắt thép, bê tông.
Mặt khác, mốt thời thượng xây dựng các TTHCTT còn được các tỉnh ưa chuộng, bởi nó thỏa mãn bệnh thành tích, nếu biết rằng, tài chính đầu tư cho các TTHCTT sẽ làm tăng GDP của các tỉnh. Do cách tính GDP chả giống ai, của cái nước Việt mình nó thế!
Chưa biết BT sẽ hạ nhiệt hay tiếp tục tăng, thì mới đây, báo Đất Việt ngày 21/4 thông tin, Thanh Hóa cũng vừa chốt phương án xây TTHCTT mới của t/p. Đổi lại, phía chủ đầu tư sẽ được giao lại quỹ đất tại khu TTHC cũ để xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn cao 25 tầng, khu nhà biệt thự …
Mặc cho sự lấp lửng của vị đại diện tỉnh Thanh với báo chí, lúc phủ nhận “không phải đổi đất lấy công trình”, lúc thì nước đôi như ca dao xưa, khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng, dư luận XH chú ý một thông tin khác. Đó là vừa mới chốt phương án xây dựng TTHCTT của t/p, thì Thanh Hóa cũng vừa phải nhận gạo cứu đói của CP lần thứ hai, trong năm nay, với hơn 700 tấn cho vụ giáp hạt 2015
Cũng không chỉ Thanh Hóa, Khánh Hòa, tỉnh vừa được chấp thuận xây trụ sở nghìn tỷ cũng vừa được hỗ trợ khoảng 1.000 tấn gạo cứu đói. Ngoài ra, Khánh Hòa còn được hỗ trợ 66 tỷ đồng kinh phí chống hạn, hỗ trợ người dân mua giống lúa. nhận gạo cứu đói. Trong khi TTHCTT của tỉnh này, bề thế chẳng kém tỉnh nào- dự kiến đầu tư tới hơn 5.500 tỷ đồng.
Người viết bài tự nhiên… “mất điện”, không thể bình nổi.
Chỉ nhớ mỗi điều này: Ở nơi kia là hình ảnh cái bikini của cô gái tắm miễn phí bị rách te tua trước con mắt và nụ cười thô lỗ của những kẻ đàn ông “chưa trưởng thành”.
Ở nơi này, là hình ảnh hàng nghìn tấn gạo cứu đói cho dân bên cạnh những TTHCTT hoành tráng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, mà những quan chức – những “công bộc của dân” cũng chưa… trưởng thành nốt!
Kỳ Duyên

9 nhận xét :

  1. Đây là hội chứng "tranh thủ được cái gì hay cái ấy" của người Việt. Quan chức tranh thủ nhiệm kỳ và vị trí công tác vơ vét được càng nhiều càng tốt; người dân tranh thủ cái gì vô chủ, pháp luật sơ hở hay thứ gì hớ hênh, miễn phí để tận thu, tận hưởng ... Tâm lý đó đầu tiên là do thiếu thốn, đói rách, thèm khát... Sau này trở thành nhu cầu, thói quen chiếm đoạt, khoái cảm "miễn phí" kích thích hành vi đám đông như vô thức! Vì thế nhiều người giầu có, dư giả mà thấy của cải hớ hênh là chôm, thấy "miễn phí" là ùa vô bất chấp, cốt sao đoạt được "chiến ;lợi phẩm"! Chủ tịch Nguyễn Minh Triết từng nói trước cử tọa nước ngoài: Vì pháp luật Việt Nam chưa tốt, dễ tham nhũng quá, nên máu tham nổi lên, khiến nhiều cán bộ tham nhũng!... Chuyện như vậy diễn ra hàng nửa thế kỷ nên thành một thứ "văn hóa cướp" từ quan đến dân! Cướp những gì "miễn phí": đất đai, tiền bạc, phúc, lộc, ăn nhậu, chơi bời, hôn hít, sờ mó... Tận hưởng miễn phí hơn người là thắng lợi!

    Trả lờiXóa
  2. "Dân 25 triệu ai người lớn
    Nước 4000 năm vẫn trẻ con" là thế
    THẬT XẤU HỔ,VÌ TÔI LÀ NGƯỜI VN XHCN. chính vì có cái đuôi định hướng chết tiệt ấy mà nó sinh ra bao thứ tởm lợm cho người VN.khinh ghét, căm cái lũ giữ đuôi.

    Trả lờiXóa
  3. Các cụ ngày xưa nói miếng ăn là miếng nhục, chỉ vì không phải bỏ tiền ra người ta sẵn sàng chấp nhận đánh mất phẩm giá của mình. Còn đâu thanh lịch của người Tràng An. Thực sự đạo đức đã xuống cấp quá rồi, bây giờ nói đến sự tự trọng và sự liêm sỉ là quá xa lạ với mọi người,

    Trả lờiXóa
  4. Có hay không việc người Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng? Do hệ quả của chuyện "Thượng bất chính hạ tất loạn"!
    Tôi đăng bình luận khen hay cho một ca khúc của Adele trên Youtube bằng tiếng Việt. Chỉ khen thôi - "Tuyệt vời!". Vậy mà hôm sau bị xóa liền! Thế giới người ta đã ghét VN như vậy sao?!
    Nhục...

    Trả lờiXóa
  5. Giàu nhưng không sanglúc 19:59 25 tháng 4, 2015

    Cái bản năng còn rất hoang sơ vẫn đang ngự trị, chi phối các hành vi của rất nhiều người Việt Nam, cho dù điều kiện vật chất của họ còn khó khăn hay đã khá giả. Thiết nghĩ, để trở nên giàu có, có người chỉ cần một sự may mắn trong một khoảnh khắc ngắn; nhưng để có một lối sống văn minh, ai ai cũng cần phải có cả một quá trình trưởng thành cùng với sự cầu thị, trong một thời gian rất dài.

    Trả lờiXóa
  6. Đây là kết quả của nền giáo dục XHCN. Nó giống nhau ở hầu hết các quốc gia cộng sản. Bản năng con người thì ở đâu cũng giống nhau cả. Nhưng tại sao ở nhiều nơi không theo cộng sản thì không hoặc hiếm khi thấy những sự việc như vậy? Tôi nhớ mãi câu chuyện cậu bé người Nhật chia sẽ món quà được tặng trong đợt sóng thấn 2011.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi sống ở nước ngoài. Tôi đã có dịp đi vài nước. Đã chứng người Việt bị khinh rẻ như thế nào, nhất là ở những quốc gia châu á như Singapore, Thái Lan. Tôi đã luôn dạy con tôi rằng: không phải tự nhiên người ta khinh khi người Việt, tất cả là do hành vi, do văn hóa thấp kém của 1 số người Việt mà ra. Vì vậy, khi làm bất cứ việc gì, trước tiên phải nghĩ mình là người Việt, mình đang đại diện cho dân tộc Việt. Khi mình làm việc xấu, người ta nói người Việt xấu chứ không chỉ là cá nhân con xấu. Con đâu muốn bị mang tiếng hay bị kỳ thị vì hành vi của người khác.

    Trả lờiXóa
  8. Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng cảm thấy nhục khi cầm hộ chiếu VN khi ra ngoại quốc bị khinh rẻ và đã phát biẻu ý kiến của mình, thì hệ thống báo chí, TV lề phải " đánh " cho tả tơi. Chỉ khi nào người ta, cá nhân hay tập thê, thường dân hay quan chức nhận lỗi thực sự thì mới khá lên đuợc. CS phạm bao nhiêu lỗi lầm, thế nhưng chưa bao giờ thừa nhận minh sai. Đó là cái họa.

    Trả lờiXóa
  9. Những chuyện như trên không khỏi làm tôi nghĩ tới vấn đề "một xã hội dân chủ" cho Việt Nam. Cách ứng xử và tư duy của người dân như thế làm sao mà mơ tới một xã hội dân chủ thực sự ! Cần tạo môi trường để "luyện tập" sống dân chủ trước chuyển sang một xã hội dân chủ, nếu không chỉ là thảm hoạ. Tiếc là môi trường tập luyện chưa được khuyến khích và quan tâm đúng mức.

    Trả lờiXóa