Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

TỰ DO THÔNG TIN - NỀN TẢNG CHO MỘT XH MINH BẠCH

Đoàn Việt Nam trong buổi làm việc với ông Christopher Graham, Cao ủy Thông tin
Vương quốc Anh, ngày 21/5/2015 (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tự do thông tin:
Nền tảng cho một xã hội minh bạch


Nguyễn Minh Thuyết

Thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân trong mọi lĩnh vực. Thông tin đồng thời cũng là “ô-xi của nền dân chủ”, như khẳng định của Chiến dịch Toàn cầu về Quyền tự do ngôn luận. Tự do thông tin - bao gồm tự do tìm kiếm, lưu giữ, truyền đạt và sử dụng thông tin dưới mọi hình thức - được coi là một trong những quyền cơ bản của con người.

Trên thế giới, Luật Tự do thông tin đầu tiên ra đời ở Thụy Điển cách đây gần 300 năm, nhưng phải đến những năm 1990 mới phổ biến ở nhiều nước phát triển khác. Thậm chí ở Vương quốc Anh, một nước có nền dân chủ lâu đời, mãi đến năm 2000 luật mới được ban hành và năm năm sau mới chính thức có hiệu lực. Ở Việt Nam, một bộ luật tương tự dưới tên gọi Luật Tiếp cận thông tin cũng đang được soạn thảo theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Quyền lợi của cộng đồng là tối thượng

Trong chuyến đi đến Vương quốc Anh mới đây nhằm khảo sát việc thực thi Luật Tự do thông tin (Freedom of Information Act), chúng tôi đã được chia sẻ những câu chuyện hết sức ấn tượng.

Theo Luật Tự do thông tin ở Vương quốc Anh, các cơ quan chính quyền, các tổ chức hưởng ngân sách nhà nước đều có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin mà mình nắm giữ và giải đáp câu hỏi của bất kỳ công dân nào, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Anh, mà người hỏi không cần nêu lý do tại sao họ nêu những câu hỏi đó. Thời hạn phải đưa ra câu trả lời là trong vòng 20 ngày và không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào. Để thực thi trách nhiệm này, mỗi cơ quan, tổ chức thuộc diện điều chỉnh của Luật đều phải có nhân sự chuyên trách. Ở Đại học Glasgow nơi chúng tôi đến thăm, bộ phận này gồm sáu người, đứng đầu là một chuyên gia do Văn phòng Cao ủy Thông tin (ICO) biệt phái đến. Những người làm công việc này không nhất thiết được đào tạo về luật nhưng phải nắm vững Luật Tự do thông tin để quyết định việc có trả lời hay không trả lời một câu hỏi nào đó. Đại diện của Đại học Glasgow cho biết, mỗi năm trường nhận được vài trăm yêu cầu cung cấp thông tin, ngoài một số câu hỏi “tào lao” như trường có bao nhiêu con ma hay bao nhiêu tháp nhọn – tất nhiên là không cần mất thời gian trả lời những câu hỏi đó – những câu hỏi thường gặp là hiệu trưởng chi bao nhiêu tiền để đi công cán nước ngoài, chi bao nhiêu tiền tiếp khách, hiệu quả thế nào, hay năm qua trường đã chi bao nhiêu tiền để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất,…
Ở Vương quốc Anh, ngay cả một số thông tin được coi là “bí mật quốc gia” cũng được xem xét để cung cấp theo yêu cầu của người dân dựa trên nguyên tắc lợi ích cộng đồng là tối thượng.
Tóm lại, người dân có quyền rất lớn trong việc đặt câu hỏi với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào đang sống nhờ tiền thuế do họ đóng góp. Tuy vậy, Luật vẫn có những quy định về giới hạn của quyền này, hay còn gọi là những trường hợp ngoại trừ - cụ thể ở đây là các thông tin cá nhân, bí quyết kinh doanh, bí mật quốc gia. Điều đặc biệt là ở Vương quốc Anh, ngay cả một số thông tin được coi là “bí mật quốc gia” cũng được xem xét để cung cấp theo yêu cầu của người dân dựa trên nguyên tắc lợi ích cộng đồng là tối thượng. Trong trường hợp yêu cầu bảo mật không quan trọng bằng lợi ích cộng đồng thì ICO có quyền yêu cầu cơ quan sở hữu thông tin phải giải mật. ICO là một cơ quan độc lập do Quốc hội lập rangười đứng đầu, tương đương chức Bộ trưởng, do Nữ hoàng đích thân bổ nhiệm, chịu trách nhiệm giám sát và hướng dẫn việc thực thi Luật Tự do thông tin trên lãnh thổ Anh, Bắc Ireland và Xứ Wales (Scotland có Luật Tự do thông tin và ICO riêng). Ví dụ điển hình nhất về việc bí mật quốc gia cũng có thể được cung cấp theo yêu cầu là câu chuyện Thái tử Charles trao đổi thư với Thủ tướng về việc tham chiến ở Iraq. Khi báo giới đưa tin đó, một số người dân yêu cầu Chính phủ phải công khai nội dung những bức thư trao đổi giữa hai bên. Mặc dù Hoàng gia Anh không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do thông tin, nhưng sau khi cân nhắc lợi ích của cộng đồng, ICO đã yêu cầu Chính phủ phải đáp ứng yêu cầu của người dân.

Giải đáp câu hỏi của chúng tôi vì sao Luật Tự do thông tin ở Vương quốc Anh ra đời từ năm 2000 mà mãi đến năm 2005 mới có hiệu lực, người đứng đầu ICO cho biết, năm năm đó là thời gian chuẩn bị bộ máy nhân sự, tập huấn, xây dựng văn bản hướng dẫn để việc thực thi Luật được trơn tru.

Có tự do thông tin mới có minh bạch

Hiện nay, hầu hết những thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đều do các cơ quan nhà nước nắm giữ bởi vậy hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hết sức to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do thông tin của công dân.

So với trước Đổi mới, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân đã có bước tiến đáng kể, mặc dù quyền này mới chỉ được đề cập trong Cương lĩnh của Đảng từ năm 1991. Thông tin về quy hoạch đô thị, giá đất…, đặc biệt là các văn bản pháp luật được công bố rộng rãi ngay từ giai đoạn khởi thảo qua nhiều kênh như cổng thông tin điện tử, bảng thông tin trước cửa các trụ sở cơ quan nhà nước.
Theo Luật Tự do thông tin ở Vương quốc Anh, các cơ quan chính quyền, các tổ chức hưởng ngân sách nhà nước đều có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin mà mình nắm giữ và giải đáp câu hỏi của bất kỳ công dân nào, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Anh, mà người hỏi không cần nêu lý do tại sao họ nêu những câu hỏi đó.
Tuy nhiên, xét từ cả hai phía, chưa phải công dân và cơ quan, tổ chức nhà nước nào cũng nhận thức đầy đủ về quyền được thông tin và nghĩa vụ phải công khai và cung cấp thông tin mình có theo quy định của pháp luật. Bởi vậy mới dẫn đến những vụ việc lùm xùm thời gian gần đây như thay thế hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội hoặc lấn sông ở Đồng Nai mà người dân không được biết, không được hỏi ý kiến; hay có vị quan chức nọ đã phát biểu hết sức ngạo mạn rằng, không cần hỏi ý kiến người dân vì người dân biết gì mà hỏi khi nói về một công trình được xây bằng hàng trăm tỷ đồng lấy từ ngân sách.

Bối cảnh đó càng khiến chúng ta mong đợi Luật Tiếp cận thông tin do Chính phủ soạn thảo từ năm 2008 sớm được Quốc hội ban hành và đi vào cuộc sống.

Là một trong những người được tiếp cận bản dự thảo từ rất sớm, lại đang chủ trì đề tài cấp Nhà nước về cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng đạo luật này, cá nhân tôi thấy rằng, so với tên gọi Luật Tự do thông tin thì tên gọi Luật Tiếp cận thông tin có ít nhiều mất mát về nội hàm. Mặc dù bản dự thảo được soạn theo hướng tương thích với quan niệm và quy định về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và Luật Tự do thông tin của các nước trên thế giới, nhưng vẫn cần làm rõ thêm một số nội dung như quyền tự do lưu giữ và tự do truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức. Về các trường hợp ngoại trừ như bí mật quốc gia thì cũng phải làm rõ vấn đề thời hạn giải mật đối với từng loại tài liệu. Việc thành lập một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi hành Luật Tiếp cận thông tin, có đủ quyền lực để yêu cầu các bộ, ban, ngành và kể cả Quốc hội thi hành quyết định của mình như ICO ở Vương quốc Anh cũng là một vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc. Về thời hạn đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, dự thảo Luật của ta quy định chỉ có một tuần, so với ở Vương quốc Anh là 20 ngày. Tôi e rằng thời hạn này không có tính khả thi.

Theo tôi biết, bản dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đã hoàn thành, và lẽ ra đã được trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII từ ngày 20-5 đến 24-6 năm nay nhưng có lẽ do còn một số điểm cần thảo luận thêm nên chưa thấy trình Quốc hội theo kế hoạch.

Rồi đây khi đạo luật được ban hành, người dân sẽ có thêm cơ sở pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của mình, ở đây là quyền đương nhiên được biết, được hỏi và được đáp ứng yêu cầu về thông tin.
Mặc dù dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của ta được soạn theo hướng tương thích với quan niệm và quy định về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của các công ước, điều ước quốc tế và Luật Tự do thông tin của các nước trên thế giới, nhưng vẫn cần làm rõ thêm một số nội dung như quyền tự do lưu giữ và tự do truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức.
Tôi cũng tin tưởng rằng Luật Tiếp cận thông tin chắc chắn sẽ làm cho chính quyền hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn. Liệu có quan chức nào dám không thận trọng với lời nói và hành động của mình khi phải đối mặt với những câu hỏi của người dân như: anh đã ở khách sạn loại gì khi đi công tác, anh đi xe gì, thu nhập ra sao, hiệu quả công việc thế nào…?

Luật cũng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng các cơ quan chính quyền thiếu chủ động hoặc chậm trễ trong việc công bố các chương trình, kế hoạch hành động ảnh hưởng đến lợi ích của số đông người dân hoặc có những phát ngôn hoàn toàn sai lầm về nhận thức như cho rằng việc này hay việc nọ ngoài tầm hiểu biết của người dân nên không cần thông tin, không cần hỏi ý kiến.
Thái Thanh ghi

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét