Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG MƯU MÔ GIAN MANH CÓ CHỦ ÐÍCH!

Trần Lê
(NCTG) Bản tin của Tân Hoa Xã mang tựa đề “Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam” mới được đăng trên mạng basam.info vào đêm 28-6 vừa qua, lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đầy âu lo của các “công dân mạng” vì nội dung bất thường và đầy tính gian manh của nó.


Luôn nhớ tới các anh... - Ảnh: Thùy Giang

Trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Tân Hoa Xã cho hay, trong thời gian Thứ trưởng Ngoại giao, phái viên đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Hồ Xuân Sơn “đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề”.

Trong các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần trước, đôi bên đã đạt được một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông], theo đó, “cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” (lời ông Hồng Lỗi).

Trên tinh thần đó, tại một họp báo ngắn vào ngày thứ Ba 28-6, phía Trung Quốc đã bày tỏ “hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”. Kèm theo đó, bản tin cũng nhắc lại quan điểm: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.  

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây. Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này”.

*

Thoạt nhìn, có thể nghĩ, bản tin của Tân Hoa Xã cũng những lời lẽ của ông Hồng Lỗi có vẻ bất thường vì nó mang tính quá... mềm mỏng, hòa hoãn, nhắc nhiều đến “thảo luận”, “thỏa thuận”, “giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị”. Khác hẳn với những thực tế trong thời gian qua, khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn với Việt Nam tại Biển Ðông, truyền thông Trung Quốc thường xuyên đăng tải những ý kiến hung hãn kiểu sẽ tát vỡ mặt Việt Nam, dạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại đến lần thứ hai - hoặc không cần đến thế - là đã có thể dễ dàng nhận ra những mưu mô tuy gian manh nhưng không quá “kín đáo” của phía Trung Quốc, thể hiện qua phát ngôn của ông Hồng Lỗi và lời lẽ của bản tin Tân Hoa Xã!

Bắc Kinh hy vọng đôi bên “thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”, nhưng lại trên quan điểm “chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này”, và còn viện dẫn phát biểu năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng (mà giới luật gia đã cho rằng thực ra không hề có giá trị pháp lý với việc “xác lập chủ quyền” của Trung Nam Hải ở những quần đảo vốn đã thuộc chủ quyền của một nước khác), vậy phải hiểu mong muốn của phía Trung Quốc là như thế nào?

Câu trả lời rất rõ ràng. Là muốn dần dà thôn tính trên bản đồ và trong thực tế những vùng đất đã có chủ. Là muốn “biến Biển Ðông thành ao nhà”. Là muốn biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề kinh tế theo phương châm từ thời Ðặng Tiểu Bình - “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng lờ đi vế đầu của lời họ Ðặng, rằng Trung Quốc vẫn phải nắm chủ quyền, như phân tích của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc).

Ðể thực hiện ý đồ đó, đương nhiên là Trung Quốc muốn Việt Nam loại “yếu tố quốc tế” khỏi những tranh chấp tại Biển Ðông. Nhưng thử hỏi, trong vấn đề chủ quyền ở Biển Ðông, có những gì mà chỉ “thuần” liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc? Hoàng Sa của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm giữ, Trường Sa đang là vấn đề tranh chấp đa phương, còn “đường lưỡi bò” tất yếu là vấn đề của khu vực. Biến vấn đề đa phương thành song phương, buộc Việt Nam sa vào thế cô khi phải loại trừ “những thế lực bên ngoài can dự vào” là âm mưu quá dễ nhận ra của Bắc Kinh!

Nhưng như thế chưa đủ, Bắc Kinh lại còn đòi phải “tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”. Ở đây, phải nói ngay rằng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm: người dân Việt Nam không bao giờ muốn gây chiến và luôn muốn “hữu nghị và tin cậy” với người dân Trung Quốc. Nhưng bài học của gần 4 thập niên qua cho thấy họ nhất thiết phải cảnh giác và tỉnh táo trước những mưu đồ bánh trướng và bá quyền của chính phủ Trung Quốc.

Phải hiểu những bài viết, nhận định mang tính cảnh tỉnh của các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam, những cuộc biểu tình yêu nước, phản đối chính sách gây hấn của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây như những nỗ lực để gây dựng một nền hòa bình thực sự giữa hai nước, để người dân hai nước được sống trong tình cảm “hữu nghị và tin cậy”. Nếu phía Trung Quốc cho rằng có thể hợp thức hóa việc dẹp bỏ những ý kiến, những biểu hiện ái quốc ấy của người dân Việt bằng những “thỏa thuận song phương” nào đó, thì chắc chắn là họ đã nhầm!

Người dân Việt Nam khao khát hòa bình, muốn được phát triển kinh tế, muốn “hợp tác cùng khai thác” với Trung Quốc, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, vì chủ quyền của đất nước là điều thiêng liêng và tối thượng. Việt Nam có thể khoan dung mà quên đi những xung đột thương đau do phía Trung Quốc gây ra trong vòng 40 năm qua (xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh biên giới, tàn sát dân lành, bạo hành ngư dân, v.v...), nhưng quyết không chấp nhận sự áp đặt vô lối mà Bắc Kinh đã ỉ mạnh mà đặt ra.

Cuối cùng, để “rộng đường dư luận” và đập tan những mưu đồ xảo trá của phía Trung Quốc, người dân rất muốn được biết cụ thể nội dung những thỏa thuận song phương đã được đôi bên ký kết trong chuyến công du vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Một khi có được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân, mọi khó khăn, trở ngại  đều có thể vượt qua, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm, bởi lẽ:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (*).

(*) Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951).
Trần Lê

26 nhận xét :

  1. Vụ việc này ngay từ đầu tôi đã nghi ngờ có điều gì khuất tất, nay quả đúng như vậy. Sự việc diễn ra khá nhanh chóng nhưng nói ngắn gọn lại là chính phủ Việt Nam đã hành động cực kỳ tuỳ tiện khi cử đoàn công tác sang TQ. Tại sao không phải là một nước thứ 3 trung lập? Tự mình đưa mình vào thế khó. Trong khi ta tìm mọi cách để cộng đồng quốc tế và các nước có chung quyền lợi cùng lên tiếng nói thì chính ta lại tự tiện phá bỏ nguyên tắc đó bằng đàm phán song phương, đi đêm với TQ. Ai cũng biết ta ở thế yếu, cử đoàn sang TQ để đàm phán gì? Anh quy kết là TQ áp đặt đàm phán song phương trong khi chính anh theo đuổi đàm phán song phương và đặt mình vào thế khó, bội tín với những gì anh cổ vũ. Vậy thì làm sao có thể có được sự đồng thuận, ủng hộ của các nước khác nếu mỗi nước nhỏ đều cử đoàn đàm phán riêng với TQ? Đây là bài học cho sự ngu xuẩn.

    Trả lờiXóa
  2. Đề nghị bác Diện cho đăng bài này tuy cũ nhưng vẫn đầy tính thời Sự : Trung Quốc và Biển Đông
    August 18, 2010 -TS Nguyễn Ngọc Trường_
    http://www.hdtg.tk/?p=184

    Trả lờiXóa
  3. Thằng Tầu rất thâm!Không cần biết ông Hồ Xuân Sơn đã đàm phán những gì? Nhưng nếu nó hồ hởi như vậy thì chắc chắn phần thua thiệt sẽ rơi về phía Việt Nam

    Trả lờiXóa
  4. TQ bao giờ cũng tung một mũi tên nhăm hai ba đích.Lần này chúng muốn chúng ta chú ý đên biển Đông để chung đễ dàng phá hoại tình đoàn kết hữu nghị Việt Cămpuchia Lào, việc này chúng đã làm đươc một số viêc rồi đấy. Ta phải cảnh giác.

    Trả lờiXóa
  5. gia ma TS Vu Cao Phan dc cu lam dai dien dam phan nhi.

    Trả lờiXóa
  6. Thật khó hiểu,khó hiểu dến đau lòng,không thể có 1 chuyện mập mờ như thế được.
    Nếu Đoàn VN sang TQ theo sự phân công của nhà nước thì phải cân nhắc chứ,họ bảo sang là vội sang ngay là lẽ gì(trong ngoại giao?)và bàn luận THẤT THẾ rồi.Nên TQ thúc dục PHẢI LÀM như đã CAM KẾT và LÀM chắc TQ thắng 100%coi như(tôi dự đoán thôi):Gạt MỸ ra khỏi chuyện VN-TQ và TQ yên tâm KÉO giàn khoan KHỦNG ra đặt tại Biển VN...
    Vậy tại sao VN im lặng trước lời thúc là làm sao?!
    Rất mong Nhà nước trả lời cho DÂN rõ???

    Trả lờiXóa
  7. Trung Quốc thật thâm. Chỉ cần một chuyến đi của thứ trưởng Sơn là họ đã cho chúng ta vào thế khó. Tôi nghĩ chiêu này họ đã giăng sẵn chờ chúng ta đến. Không may chúng ta vẫn chậm hiểu họ. Họ đã làm cho những nước ủng hộ chúng ta nghi ngờ chúng ta vì không hiểu chúng ta thật sự đang muốn gì? Đồng thời, làm cho dân của chúng ta nghi ngờ cách giải quyết của chính phủ. Chỉ là một bài phát biểu nhưng có tác dụng rất thâm độc, gây chia rẽ khối đoàn kết chống lại Trung Quốc. Vậy mà thứ trưởng ngoại giao của chúng ta khi về Việt nam lại cho đó là thành tựu của chuyến công du. Các báo chính luận đều nêu bật thành tự này "Việc tranh chấp được giải quyết đồng thuận, hòa bình" nhưng lại không đưa tin bản thông cáo của Trung Quốc. Một việc làm không tường minh? Họ đang sợ ai? Sự không tường minh sẽ làm khối đoàn kết khó bền chắc. Để hóa giải mũi tên độc này, chính phủ chúng ta cần tường minh, cần mau chóng công khai những điểm thỏa thuận vừa qua, cách giải quyết sắp đến cho công luận hiểu. Chúng ta cần lên tiếng để chính phủ trở nên tường minh và cần gởi bản thông cáo này đi khắp nơi để mọi người hiểu thâm ý của chúng.

    Trả lờiXóa
  8. Tại sao thỏa thuận giữa hai bên mà Tân hoa xã của TQ đăng mà VNTTX của VN không đăng? Có gì khuất tất à?!!!

    Trả lờiXóa
  9. Từ nay trở về sau mong rằng nhà nước muốn tuyên bố ngoại giao như thế nào thì tùy ý ( toàn trị ) nhưng đừng dạy cho người dân rằng Trung Quốc là anh em ,đồng chí và láng giềng tốt bởi vì tuyên bố trên Tân Hoa Xã ngày 28/6/2011 của Trung Quốc là rất láo , rất lưu manh và cực kỳ áp đặt .

    Trả lờiXóa
  10. TQ có tiếng là "to mồm la lối", chuyên gia về "tung hỏa mù" để lung lạc lòng người.Để đối phó các thủ đoạn này cách tốt nhất là "lật tẩy" anh chàng "bịp bợm này bằng cách là minh bạch mọi điều:"công bố các nội dung đã hội đàm". Thế giới văn minh người ta ghét nhất là "ăn mảnh" và "đi đêm" mà tuy không nói ra họ điều nghĩ trong thâm tâm rằng đó là "cách cư xử của những người châu Á". Nếu ta không làm rõ điều này thì càng làm gia tăng điều nghi ngờ này và rõ ràng là "tai họa lớn" vì "im lặng là đồng ý".Nói gì thì nói ta bị hố trong vấn đề này khi mà ta biết trước "kết cục cuộc gặp " chỉ là thủ đoạn "bịp bợm " của TQ "không có bất kỳ kết quả nào mà chỉ có mục đích cách ly ta với cộng đồng,làm tăng nghi ngờ giữa ta và bạn bè.Nếu trước các điều TQ bù lu bù loa, ta không làm minh bạch được thì bạn bè nghĩ rằng ta vẫn nuôi "hy vọng" là ông bạn "đòng chí" nương tay và điều này là "điểm chấm hết" cho cánh cửa ta đến với thế giới để chống chọi với cường quyền TQ.Việc đã rõ mười mươi mà vẫn còn nhiều người vẫn đui vẫn mù,thế giới đang gào thét mà vẫn còn nhiều người vẫn còn "điếc đặc". Chỉ có minh bạch mới lật tẩy được thủ đoạn "bần tiện" của TQ,"yên được lòng dân.Nếu không rõ ràng ta đã mất "cả chì lẫn chài"

    Trả lờiXóa
  11. Không ai đặt câu hỏi, lý lịch ông Hồ Xuân Sơn ra sao, thuộc phe nào. Tất cả chỉ nói phản ứng của Trung Quốc, không ai xem phản ứng của các chính phủ phương Tây về vấn đề của chúng ta. Trong nước thì cứ hy vọng nhưng ít thông tin, ngoài nước nhiều thông tin nhưng thụ động ăn hôi.

    Trả lờiXóa
  12. Tôi nghĩ rằng có thể chính phủ Việt Nam chỉ đồng ý là đàm phán, thương lượng để giải quyết tranh chấp, chứ không có thỏa hiệp nào gây bất lợi cho ta. Nhưng cách đưa tin mập mờ của Trung Quốc là có mục đích gây chia rẽ dư luận Việt Nam và gây hoài nghi cho dư luận quốc tế (nhất là đối với các nước ASEAN và Mỹ) là Việt Nam đi đêm với TQ.

    Cách duy nhất để chống lại đòn ngoại giao này của TQ là VN phải công khai kết quả của chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn.

    Ngoại giao của VN cần phải rút kinh nghiệm về chuyến đi này, đây là cách ngoại giao thiếu tính toán gây bất lợi cho VN.

    Trả lờiXóa
  13. Anh khiêu khích, gây sự, rồi đến khi người ta buộc phải phản ứng lại thì anh la làng lên là người ta kiếm chuyện. Vậy anh suy nghĩ, hành xử kiểu gì nếu không muốn gọi đích danh ra là côn đồ ? Bao nhiêu cái lịch lãm sâu sắc của Tam quốc chí, Thủy Hử, Hồng lâu mộng ... từ ngàn xưa đã bị anh tung hê hết với tham vọng bá quyền bằng mọi thủ đoạn của anh rồi ! Một kẻ mà bây giờ mỗi cử chỉ, hành vi đều khiến người khác cảnh giác, lo lắng thì làm bạn với ai được chứ ...

    Trả lờiXóa
  14. Lãnh đạo chúng ta thực không biết nhìn xa trông rộng, không lường được hết các chiêu bài của trung quốc, và cũng chẳng tìm được cách đối phó kịp thời. Chẳng nhẽ cứ ngồi im để bọn nó muốn nói sao thì nói à??????????. Rõ ràng nó đang làm cho chúng ta hoang mang, nghi hoặc, thế gới cũng chưa hiểu được chúng ta đang đi theo hướng nào???????

    Trả lờiXóa
  15. "nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” (lời ông Hồng Lỗi).
    Hừ. Trong khi đó báo chí trung quốc hàng ngày đưa ra các bài viết đe dọa, cáo buộc, thóa mạ chúng ta, vậy những lời nói trên của ông Hồng Lỗi là gì???

    Trả lờiXóa
  16. Đề nghị Bác Diện nhờ một dịch giả hàng ngày điểm tin các báo Trung quốc xem có bài báo nào đi ngược lại lời của ông Hồng lỗi: "nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”.
    Chúng ta sẽ vạch mặt nó ra để dân nó được biết mà lãnh đạo ta, dân ta cũng rõ.

    Trả lờiXóa
  17. Các bác ơi, đây là chuyến đi chuẩn bị cho một chuyến đi lớn hơn, tức là chuẩn bị cho một Tuyên bố chung mới. Hực, em tin là thế!

    Trả lờiXóa
  18. Đồng thuận để đảm bảo hoà bình cho biển đông phải dựa trên nguyên tắc cơ bản :
    1. KHÔNG NHU NHƯỢC, KHÔNG HÈN MẠN, KHÔNG BÁN NƯỚC CẦU VINH VÌ LỢI ÍCH CÁ NHÂN, NHÓM CÁ NHÂN.
    2. TỔ QUỐC VIỆT NAM MUÔN NĂM
    3. ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM.
    4. BẢN CHẤT CỦA TQ NGÀN ĐỜI NAY ĐÃ RÕ, KHÔNG TÁCH HAY LÀM KHÓ VIỆT NAM TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ VÀ ĐA PHƯONG, KỂ CẢ NHỮNG KHẢ NĂNG THIẾT LẬP ĐỒNG MINH Ở KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI.
    Xin mấy ý kiến vậy thôi, kính chúc Bác Diện và toàn thể giới Nhân sĩ trí thức, nhân dân VN yêu nước, yêu chuộng hoà bình và cầu thị phát triển thịnh vượng chung trên toàn thế giới.

    Trả lờiXóa
  19. Thứ trưởng Sơn trả lời phỏng vấn TTXVN có nói rằng "Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10/2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc".

    Tôi đã mất công đọc lại tất cả các bản Tuyên bố chung và cả Thông cáo chung VN-TQ từ năm 1991 (bình thường hóa quan hệ) đến nay, không thấy chỗ nào nói "cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam".

    Tuy nhiên rõ ràng là đã có thỏa thuận ngầm về việc này. Bằng chứng là lời phát biểu sau đây của Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chi Vịnh: Chúng ta cũng nói với họ rằng: "Chúng tôi đã làm đúng với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là kiềm chế, là giải quyết song phương, là công khai minh bạch, và tuyệt đối "không sử dụng vũ lực" (http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110605/Giai-quyet-van-de-bien-Dong-bang-bien-phap-hoa-binh.aspx).

    Vậy là rõ rồi nhé. Kể ra mất công đọc Tuyên bố chung VN-TQ cũng có cái hay. Đọc mới biết vụ bô xít đã được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hứa cho TQ từ TBC năm 2001. Lại được Hồ Cẩm Đào nhắc lại trong TBC năm 2006. Cũng trong TBC năm 2001 có đoạn: "Hai bên phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền trong công việc quốc tế". Hehe dĩ nhiên đây không phải là chống bá quyền TQ nhé.

    Trả lờiXóa
  20. Lập lờ chữ-nghĩa cuộc đỏ-đen,
    Xảo trá,gian tham...Bản-tính hèn!
    Bụng Sói-Gan Cừu...Ta chẳng lạ,
    Nhắc thằng Tầu-khựa chớ đường-quen !

    Trả lờiXóa
  21. Tôi rất bất ngờ khi đọc thấy tin của TTXVN v/v ông Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc và ký bản tuyên bố chung trong thời điểm nhân dân đang biểu tình phản đối hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Là người Việt Nam còn không hiểu được ứng xử của Nhà nước huống chi người nước ngoài.

    Trả lờiXóa
  22. Anh Diện ơi,
    Hình như bên ban biên tập và các nhà báo VNN đang gặp khó khăn hoặc họ đang gặp vấn đề gì đó, cần trưng cầu dân ý về tác nghiệp của nhà báo. Ngay tại trang chủ, mục "Trưng cầu ý kiến", theo ý kiến riêng của tôi, chúng ta cũng nên giúp đỡ họ bằng cách cho ý kiến, điều này cần 1 bài viết của anh mới được. Chứ bây giờ VNN trồng "cải" nhiều quá cũng sắp bằng Dân trí với VNE rồi.

    Trả lờiXóa
  23. Tàu thì luôn thâm rồi nhưng đúng là Việt Nam đã có một sai lầm ngoại giao ngu xuẩn để Trung Quốc chơi tay trên. Giờ thì há miệng mắc quai, tự mình đưa mình vào thế kẹt, cải chính cũng dở mà không cải chính thì quá dở. Bổng dưng muốn... chửi... mấy thằng ngu

    Trả lờiXóa
  24. Một con Cáo và một con Vịt!

    Trả lờiXóa
  25. Hương nói:"Một con Cáo và một con Vịt" là chưa đúng đâu,mà phải nói là"một con Cáo già và một con Vịt câm"

    Trả lờiXóa
  26. Nội dung đàm phán với Trung Quốc không biết thế nào nhưng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã mắc một loạt sai lầmn nghiêm trọng chỉ trong một cuộc đàm phán với Trung Quốc.
    Thứ nhất đàm phán Song Phương là đi ngược lại, mang tinh thần bội tín với những gì cộng đồng Quốc tế đang cổ vũ đó là vấn đề Biển đông là vấn đề Đa phương, liên quan đến quền lợi nhiều nước.
    Việt Nam đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc đề giải quyết vấn đề đa phương do trường xa hoàng xa đều là tranh chấp lãnh thổ của nhiều nước là sai và vượt quá khả năng của mình Việt Nam.
    Đàm phán vấn đề song phương giữa hai nước độc lập mà lại chọn Trung Quốc làm địa điểm đàm phán là không khôn ngoan. Tại sao không chọn Quốc gia trung lập? ai trả lời thoả đáng được câu hỏi này? Điều này mang hình thức Tiểu Quốc về chầu Thiên Quốc của thời kỳ phong kiến.
    Kết quả đàm phán về vấn đề tranh chấp của nhiều nước Asean, nhưng Việt Nam bưng bít thông tin, như vậy những nước đang ủng hộ hoặc có cùng mối quan tâm tranh chấp lãnh thổ với TQ liệu có nghi ngờ sự ữm ờ của Bộ ngoại giao việt nam.
    Bộ ngoại giao Việt Nam đối ngoại thì xé lẽ hàng ngũ đàm phán riêng rẽ với trung quốc trong khi thế yếu và bất lợi nhiều mặt, đối nội thì xa rời nhân dân, tuỳ tiện đàm phán và bưng bít thông tin. Như vậy Bộ Ngoại giao việt nam đang đặt tự đặt mình vào nước cờ mà TQ mong muốn. Một nước cờ bất lợi cho dù nội dung đàm phán là một tờ giấy trắng.
    Mong mọi người cho ý kiến, chúng ta không nên gọi China bằng tiếng Việt là Trung Quốc, vì bản thân chứ Trung Quốc không phản ánh Trung Quốc nằm ở Trung Tâm của các nước về mặt địa lý như Cộng Hoà Trung Phi, mà nó nặng về nghĩa Thiên Triều. Chúng ta nên dùng tên khác như China, chinese, Tàu, Ngô, Hán Quốc, hay người Hán...

    Trả lờiXóa