Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA TRẦN NGỌC VƯƠNG VỀ "GIỚI TRÍ THỨC TINH HOA"

Một số suy nghĩ sau khi đọc "Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam"
của Trần Ngọc Vương
Nguyễn Vinh Anh

Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và các quý vị,

Bài viết vừa lên rất đáng chú ý, nhưng vì chủ đề quá lớn, nên tôi  chỉ dám lạm bàn một vài điểm, mà tôi thấy ngay là rất đáng suy nghĩ. 

Tiếp nối một số luận điểm ở phần đầu bài, chủ yếu dựa trên các đúc kết của học giả Trần Đình Hượu về những giới hạn của giới Nho sĩ, tác giả đi đến nhiều nhận định tổng quát về giới chuyên gia, trí thức thời thuộc Pháp, và giai đoạn sau Cách mạng, trước và sau "các đấu tố" 1960-1970. 

Các nhận xét về sự bất lực của giới nhà nho cựu học trong việc hiện đại hóa đất nước là điều có lẽ không còn cần phải bàn cãi, vì điều này đã được nhà cải cách Phan Chu Trinh phê phán một cách rất triệt để, và nhiều học giả trước 1945 cũng đã tiếp tục hướng này.

Về trí thức, giới chuyên môn trước 1945:

Vấn đề vẫn đang còn dở dang chính là  nhóm những người mà tác giả gọi là “tầng lớp trí thức bản xứ”. Đây là tầng lớp mà di sản để lại rất đa dạng, mà hiện nay sự hiểu biểu về họ chắc chắn còn rất thiếu, trong tình trạng tư liệu tản mát và các nghiên cứu về giai đoạn này nhìn chung chưa thực sự phát triển.

Chính ở đây, khái quát mà tác giả đưa ra rất cần phải được xem xét lại, cả trên phương diện tư liệu, cũng như về các thao tác nhận thức. Khi tác giả viết: "Chất lượng của một tầng lớp trí thức như vậy (tức tầng lớp trí thức bản xứ), xét trên tương quan của một sự so sánh lịch đại, nghĩa là so sánh về khả năng đáp ứng những nhu cầu phát triển từng thời điểm lịch sử khác nhau, chắn chắn là còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân.", thì chắc chắn cần phải làm rõ xem, dựa trên những thao tác so sánh nào mà tác giả rút ra nhận định xác quyết này?

Về trí thức, giới chuyên môn sau 1945:

Từ chỗ phê phán toàn bộ giới nhà nho, lướt qua giai đoạn trước 1945 coi như không có gì thực sự đáng nói, tác giả đi thắng đến kết luận dưới đây (kết luận này tạm hiểu ngầm là dành cho giai đoạn hiện tại, nếu không phải là cho toàn bộ lịch sử Việt Nam): 

"Có thể nói, ở ta mới có những người trí thức lớn,- không đông lắm mà nói thực thì cũng chưa được “lớn” lắm - nhưng chưa thể nói rằng đã có giới trí thức tinh hoa. Mà chừng nào trí thức tinh hoa chưa thành một giới, nôm na là núi không có đỉnh, thì khó lòng bàn đến “tầm” trí tuệ Việt Nam, tuy đó là điều không hiếm người thành tâm khao khát khẳng định".

Đây là một nhận định, nghe vẻ ngoài thì rất có vẻ có lý, vì nó được suy ra từ những cái không đáng kể của những giai đoạn trước (mà tác giả vừa trình bày), để luận về hiện tại, hoặc về toàn thể. Điểm tích cực của quan điểm này là nó dội một gáo nước lạnh vào những người vẫn còn sống trong trạng thái hoang tưởng của chủ nghĩa tự tôn dân tộc mù quáng. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, những kẻ đã bị rơi vào hoang tưởng rồi thì khó có gì có thể đưa họ ra nổi, ngoại trừ thực tế phũ phàng.

Còn đối với độc giả bình thường thì sao?

Những người mà tác giả gọi là “thành tâm khao khát” thì thuộc loại nào đây, hoang tưởng hay bình thường?

Có lẽ bài viết này sẽ dễ dàng thuyết phục được những ai chỉ biết đến có một loại "núi", một loại "đỉnh". Từ chỗ nói rằng "núi" ở Việt Nam không có đỉnh , tác giả kết luận không thể bàn đến "tầm" (cao của) trí tuệ Việt Nam.

Cá nhân tôi, khi đọc đến đến đây, tôi có cảm giác tác giả đã đẩy lô gíc của sự ngụy biện đi đến một cái "đỉnh". Vậy mục đích của sự ngụy biện này là gì?

Theo tôi, thực tế mà nói, đã có "núi" là ít nhiều có "đỉnh", đỉnh thấp hay cao mà thôi. Và, không thể vì cho rằng, những trí thức lớn không đông, mà không đủ tạo thành một giới. Phủ nhận những cái đỉnh cao tương đối đó, phủ nhận một giới trí thức tinh hoa nhất định, dù số lượng hết sức ít ỏi ấy, chính là phủ nhận một cách hết sức tinh vi khả năng vượt lên của "trí tuệ Việt Nam", của văn hóa Việt Nam (bao gồm cả những người gốc Việt, sống ở khắp nơi trên thế giới, vẫn tự coi là người Việt Nam).

Phải chăng bản chất của thái độ, một mặt, tích cực đối thoại với những kẻ hoang tưởng, tin tưởng một cách thành tâm vào một tầm trí tuệ Việt Nam siêu việt không có thật (những kẻ này thường thuộc nhóm nắm quyền lực), và mặt khác, phủ nhận sự tồn tại của những đỉnh cao trí tuệ tương đối dù còn rất ít ỏi trong xã hội Việt Nam (thường thuộc vào nhóm mang tư tưởng cải cách), không gì khác hơn chính là để biện minh một cách tinh vi cho sự khoanh tay ngoảnh mặt của nhiều nhóm người, ngầm hoặc công khai tự coi là "trí thức", trước các vấn đề trọng yếu của xã hội, mà người trí thức đích thực phải coi như là các thách thức đối với chính bản thân mình ?

Phải chăng một thái độ như vậy chính là để biện minh cho sự vắng mặt của những khát vọng vượt lên bản thân, vươn lên tầm nhân loại ở trong chính con người họ? một thái độ như thế chính là để củng cố một tâm lý "hòa cả làng"? một tâm lý khuất phục cúi đầu? …  

Còn nhiều câu hỏi đặt ra từ đây, nhưng theo tôi hiểu, các bài viết mà tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đưa ra cùng lúc với bài viết này, có thể đã chính là những phản biện gián tiếp trước thái độ ngụy biện đáng sợ trong bài viết này.  

N.V.A
*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cám ơn tác giả!

2 nhận xét :

  1. Rất đồng ý với bác Nguyễn Vĩnh Anh, bài viết của Trần Ngọc Vương phủ nhận tất cả những thành tựu của nền văn hóa nước nhà. Ngòai ra bài viết của TNVương còn có mùi "lai căng", "giả cầy" (chữ của bác Trần Mạnh Hảo) không tới nơi tới chốn. Ai lại đi lấy một nền văn minh khác làm cái thước đo mẫu mực cho nền văn minh nước nhà như thế bao giờ.
    Phải nói là bài viết của TNVương không ngửi nổi!!!

    Trả lờiXóa
  2. Trích:
    "Phải chăng bản chất của thái độ, một mặt, tích cực đối thoại với những kẻ hoang tưởng, tin tưởng một cách thành tâm vào một tầm trí tuệ Việt Nam siêu việt không có thật (những kẻ này thường thuộc nhóm nắm quyền lực), và mặt khác, phủ nhận sự tồn tại của những đỉnh cao trí tuệ tương đối dù còn rất ít ỏi trong xã hội Việt Nam (thường thuộc vào nhóm mang tư tưởng cải cách), không gì khác hơn chính là để biện minh một cách tinh vi cho sự khoanh tay ngoảnh mặt của nhiều nhóm người, ngầm hoặc công khai tự coi là "trí thức", trước các vấn đề trọng yếu của xã hội, mà người trí thức đích thực phải coi như là các thách thức đối với chính bản thân mình ?"

    Kẻ thù nguy hiểm nhất của người có học là kẻ vô học mà lại ngồi trên ngồi trốc...

    Trả lờiXóa