Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Phan Cẩm Thượng: VỀ TẢN VĂN "PHỦ QUỐC" CỦA TÔI


Phan Cẩm Thượng: 
Về tản văn Phủ Quốc

Gửi Chú Tễu,

Trước tiên, tôi cảm ơn chú đã đăng đi đăng lại tản văn này của tôi trên Tễu Blog, và nhận được sự chia sẻ của nhiều bè bạn từng sống ở Cấn Hữu, Quốc Oai xưa.


Tôi đến đó lúc 9 tuổi, học lớp ba và bốn, năm 1966, 1967, nên có vài điều nhớ không chính xác, do hoàn toàn là nhớ và kể lại thôi, không có bất cứ một tư liệu nào. Thoạt tiên chị em tôi ở trọ nhà bà Giá, gia đình bà là vợ cả, gần đó cách một cái sân là ông chồng ở cùng với vợ bé. Bà chính là người có bài ca chửi, nguyên văn: Cờ xanh cắm ngõ, cờ đỏ cắm nhà. Bắt lấy tên, biên lấy tuổi. Lên trình Nam Tào, sao Bắc Đẩu. Con gà ở nhà tao là con công, con phượng. Con gà ở nhà mày là con cú con cáo. Nó mổ mắt cả lò nhà mày. Mày vật đống rơm, mày đơm đống rạ, mày ăn cắp gà của bà thì khôn hồn mà thả ra…Thời gian ở nhà bà Giá còn có cả một đơn vị bộ đội thường xuyên tập đánh morse, thông tin vô tuyến.

Tôi học lớp ba ở đình và miếu làng Cấn Thượng. Thầy giáo tên là Lập, bạn học cùng bàn tên là Hy, một trẻ mồ côi nhà nghèo, tôi thường chia bánh quy cho bạn này. Thầy Lập rất tốt tính, yêu thương chúng tôi, nhưng lại chăm tăng gia cái vườn rau ngay cạnh đền, rồi mới dậy học. Sau đó, chị em tôi lại chuyển sang xóm khác trọ ở nhà ông Luyến, con gái là chị Lâm, học cùng lớp với chị tôi, sau lấy chồng ở Ngọc Than. Bà vợ ông Luyến chính là bà già tê thấp thuộc nhiều truyện thơ Nôm, đầu cạo trọc, mặc váy cao như người Mường. Hai ông bà có người con đầu là anh Đĩ Hạnh, từng là du kích trong kháng chiến chống Pháp, bị bắt và tra điện, nên hóa điên. Anh Hạnh bị nhốt suốt ngày trong buồng chái nhà, ăn ỉa luôn ở đó, rất hôi hám, thỉnh thoảng bà mẹ bảo con cởi truồng và điệu ra ao tắm, bà cầm cây gậy để chỉ huy. Ông Luyến còn có một bà vợ hai người miền biển (Thanh Hóa?), sinh ra anh Từ đi bộ đội Hải quân nom rất oai hung. Anh Từ có về thăm Cấn Hữu vài lần nhưng bà mẹ anh thì không từng thấy. Ông Luyến là người dậy tôi đan lát rổ rá, mũ nan cho học sinh sơ tán bện rơm làm mũ rơm. Đầu ngõ có anh Võ, cùng tuổi với anh tôi, từng ra Hà Nội chơi nhà tôi một lần. Gia đình nuôi một đàn vịt, mỗi ngày trứng đẻ đầy sân, nhưng hợp tác xã thu mua sạch, nhà anh mỗi bữa chỉ ăn một quả trứng rang với bát muối, nên chẳng nom thấy tý trứng nào. Sau đó, anh chị tôi ra huyện học, tôi chuyển sang nhà ông Vững cạnh đó ở, ông là người rất nho nhã, có hai đứa con trai trạc tuổi tôi. Câu chuyện cành cây bưởi chính là ở nhà ông Vững.

Lên lớp bốn, tôi học ở làng dưới, có thể là Cấn Hạ, ở đây hầu hết là người họ Sỹ, hai bạn học tên là Sỹ Danh Hòa và Sỹ Thắng Lợi. Thầy giáo dậy toán của tôi tên là Tính, thầy là người dẫn chúng tôi đi thi đấu toán văn trong cả huyện Quốc Oai, lớp học của thầy luôn có nhiều học sinh giỏi.

Tôi thực sự không giỏi cả toán lẫn văn, nhưng rất thích các pho tượng Thần Phật trong đền chùa và hoành phi câu đối chữ Nho, vì rất đẹp, ý thích này, sau dẫn tôi đến với ngành nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam. Tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần nghiên cứu văn hóa xã Cấn Hữu đã đủ vẽ nên một bức tranh sinh động về văn hóa cổ Việt Nam, ít nhất cũng là một phần.

Mặt khác, thì những gì trải qua cho thấy tình người rất quan trọng, nhất là trong chiến tranh và nghèo đói, đó là phẩm chất tôi thấy được ở làng quê này.

Phan Cẩm Thượng. 2018

1 nhận xét :

  1. Tình người là nền tảng của tất cả. Tình người đúng nghĩa là trọng người, nhẹ mình, sao cho trong ấm ngoài êm. Nơi nào tình người thống trị, nơi đó có yên vui và hạnh phúc. Chúc mừng và cảm ơn bác Phan Cẩm Thượng, một trí thức hiếm hoi thời này...

    Trả lờiXóa